Lãnh đạo Thế Giới Di Động khiến cổ đông mừng hụt
(Dân trí) - Thế Giới Di Động thay đổi mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu với lý do đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh kéo dài.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) thông báo ngày đăng ký cổ đông cuối cùng để thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 là 31/8. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là 13/9.
Tuy nhiên, HĐQT Thế Giới Di Động thông báo tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt chỉ còn 5% (mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng). Trước đó, đại hội cổ đông thường niên của Thế Giới Di Động thông qua nghị quyết chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 1.500 đồng/cổ phiếu, mức cụ thể do HĐQT quyết định.
Chia sẻ với cổ đông về lý do điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt, ban lãnh đạo tập đoàn bán lẻ này cho biết doanh nghiệp ưu tiên đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.
Với hơn 475 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Thế Giới Di Động chi ra để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông ước tính gần 240 tỷ đồng. Với gần 14% cổ phần đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cùng gia đình ước tính nhận về hơn 30 tỷ đồng. Ông Tài và người thân cũng là nhóm cổ đông lớn nhất tại Thế Giới Di Động.
Ngoài cổ tức tiền mặt, Thế Giới Di Động cũng sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 2:1. Mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách vào ngày 31/8 sẽ nhận một cổ phiếu phát hành thêm. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận giữ lại.
Hiện tại, vốn điều lệ của Thế Giới Di Động hơn 4.750 tỷ đồng với 475 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của tập đoàn dự kiến tăng lên hơn 7.100 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động công bố doanh thu thuần hợp nhất đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế là 2.552 tỷ đồng, tăng 26%.
Tuy nhiên, Thế Giới Di Động cho biết đến cuối tháng 7, gần 2.000 cửa hàng điện thoại, điện máy đã phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và toàn bộ 19 tỉnh, thành phía Nam cùng Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16.
Kết quả kinh doanh thời gian tới của hệ thống bán lẻ này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi điện thoại, điện máy là những trụ cột đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.