“Lãnh đạo bộ, ngành vẫn nặng tư duy quản lý hơn là phục vụ doanh nghiệp”

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đình Cung đánh giá, tư duy của các bộ về đặt điều kiện kinh doanh vẫn nặng quản lý, không trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ mà bị ám ảnh đậm nét bởi tư duy kế hoạch hóa tập trung.

Ngày 23/6, Chính phủ đã dành trọn một ngày họp về chuyên đề xây dựng pháp luật do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã nêu rõ tinh thần "không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới".

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Trước và sau cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Tư pháp, đại diện các bộ ngành và các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã có có các cuộc làm việc với tinh thần loại bỏ những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trái luật làm khó doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) với tư cách là bên phản biện độc lập đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Dân Trí về công tác này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thưa ông, trong những ngày vừa qua, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên tục có những phiên họp rà soát về các ĐKKD đang được nâng cấp từ cấp thông tư lên nghị định, trong đó CIEM với tư cách là bên độc lập tham gia phản biện, ông có đánh giá như thế nào về công tác rà soát và chất lượng các dự thảo nghị định được trình lên?

Phải ghi nhận rằng, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp là nghiêm túc, mặc dù dồn dập nhưng họ vẫn phát hiện được nhiều vấn đề, nhiều sự bất hợp lý trong các dự thảo, cũng đòi hỏi các ban soạn thảo phải bổ sung nhiều vấn đề.

Bên cạnh đó, công tác thẩm tra của VPCP là đáng ghi nhận. Đặc biệt, tôi đánh giá cao tư duy kinh tế thị trường của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, trong đó, ông luôn nhấn mạnh tư tưởng tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.

Với thời gian không nhiều và cũng chỉ bàn được một số điểm, đương nhiên có thể chất lượng của một số nghị định sẽ không đạt như mong đợi. Tuy vậy, việc rà soát này sẽ bớt thêm một số rào cản với DN, bớt đi những quy định vô lý, chung chung, phi thực tế.

Việc giảm từ hàng trăm nghìn ĐKKD như trước đây xuống đơn vị hàng trăm ĐKKD, tôi cho đây là một bước tiến lớn.

Thái độ của đại diện các bộ, ngành với vai trò là bên soạn thảo trong hoạt động rà soát này như thế nào thưa ông?

Tôi hy vọng rằng, các Bộ sẽ thực sự cầu thị để trao đổi một cách thật sự nghiêm túc, công khai minh bạch các vấn đề trên tinh thần vì DN phục vụ, tháo bỏ rào cản cho hoạt động kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi, những ý kiến của đại diện các bộ ngành quanh “quyền anh, quyền tôi” vẫn còn thể hiện rõ rệt, những tranh cãi vẫn còn tập trung vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn là thảo luận mang tính xây dựng về các quy định trong các dự thảo.

Nói chung tư duy của các bộ khi soạn thảo, họ cũng có tiếp thu chứ không phải là không, nhưng giả sử tinh thần tiếp thu đó được thể hiện trong suốt quá trình làm thì sẽ tốt hơn.

Nhìn tổng thể, tư duy của các bộ về đặt ĐKKD theo tôi vẫn nặng quản lý, không trên tinh thần xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, lấy DN làm đối tượng phục vụ.

Họ vẫn chưa tư duy theo kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường có nghĩa là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai là do DN quyết định chứ Nhà nước không can thiệp. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều những rào cản được đặt ra, vẫn giới hạn về quy mô, số lượng; yêu cầu về máy móc phải thế này, nhân sự phải thế kia; mặt bằng phải thế này, kho tàng phải thế nọ…

Qua thảo luận, tôi cảm thấy tư duy của một số đại diện bộ ngành vẫn bị ám ảnh vô cùng đậm nét về kế hoạch hóa tập trung.

Nhưng nhiều bộ, ngành cho biết họ vẫn lấy ý kiến DN…?

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua vào 26/11/2014 và có hiệu lực từ 1/7/2015 nhưng điều khoản liên quan đến ĐKKD có hiệu lực từ 1/7/2016. Như vậy các bộ, ngành có hơn một năm rưỡi để tiến hành rà soát, nâng cấp thông tư lên nghị định.

Nhưng trên thực tế, công việc này chỉ được các bộ, ngành thực sự bắt tay vào làm mới chỉ mấy tháng gần đây, do đó, họ không có đủ thời gian, lực lượng để đi tham vấn, tham khảo các DN. Kể cả khi tham vấn cũng chỉ lấy ý kiến một nhóm các DN hiện có.

Chúng ta cần lưu ý rằng, đương nhiên là ĐKKD đặt ra càng cao, càng khắt khe thì càng có lợi cho những DN hiện có vì sẽ càng khiến điều kiện gia nhập thị trường trở nên khó khăn hơn. Thế nên, việc lấy ý kiến như thế không có ý nghĩa! Trong khi mục tiêu chúng ta hướng đến là phải tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng về cơ hội kinh doanh. Ở đây cần một sự tham vấn ý kiến đa chiều.

(còn nữa…)

Bích Diệp