Làng phát tài nhờ nuôi loài rắn cực độc, ăn ít, ngủ nhiều, dài cả mét
Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi rắn hổ mang với chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương là kết quả thực hiện Dự án chăn nuôi rắn của Hội Nông dân xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Triệu Đại Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Ích cho biết, sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi rắn hỏ mang đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nguồn thức ăn cho rắn hổ mang sẵn có và đặc biệt, mô hình chăn nuôi này ít gây ô nhiễm môi trường.
Hiện trên địa bàn xã có 25 hộ nuôi rắn hổ mang, mỗi hộ nuôi từ 300 - 1.000 con rắn độc hổ mang. Do đặc tính của vật nuôi nên chuồng rắn hổ mang được xây thành từng ô, mỗi ô chuồng nhốt 1 con thuận tiện cho việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh.
Rắn hổ mang giống thường là rắn tự nhiên, giá trung bình 700 nghìn đồng/con. Thức ăn của rắn hổ mang nuôi là gà con, vịt con thải loại. Chi phí thức ăn cho rắn hổ mang thấp, chỉ khoảng 1.200 đồng/ngày. Nuôi từ 1-2 năm thì rắn có thể đạt 2,5kg, giá bán hiện nay khoảng 500 - 700 nghìn đồng/kg; trứng rắn có giá 70 nghìn đồng/quả.
Do nhu cầu rắn hổ mang thịt và trứng rắn hổ mang lớn nên người chăn nuôi rắn ở Đồng Ích có thu nhập ổn định. Không giống các con vật nuôi khác, chất thải của rắn hổ mang rất ít, người chăn nuôi chỉ phải dọn dẹp 2-4 lần/năm, ít gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, các hộ dân có thể tận dụng diện tích nhỏ hẹp để nuôi rắn hổ mang.
Ông Nguyễn Văn Xuất, người đầu tiên nuôi rắn độc hổ mang thịt thương phẩm ở Đồng Ích cho biết: "Gần 20 năm trước, ở xã đã có vài hộ chăn nuôi rắn hổ mang nhưng vì nhu cầu thị trường thời đó chưa ổn định nên các hộ bỏ nghề. Mãi đến năm 2009, gia đình tôi mới chăn nuôi rắn hổ mang trở lại và phát triển cho đến nay. Hiện tại, gia đình đã mở rộng chuồng trại nuôi 1.000 con rắn hổ mang thịt thương phẩm".
Theo ông Xuất, nuôi rắn hổ mang khá đơn giản, tỷ lệ thành công đạt trên 90%. Nếu nuôi từ 200 - 300 con rắn hổ mang thì vẫn có thể vừa nuôi rắn vừa làm nghề khác để tăng thu nhập.
Một điển hình khác là mô hình nuôi rắn hổ mang là của anh Nguyễn Kim Chung, thôn Hạ Ích. Anh Chung bắt đầu nuôi rắn từ năm 2011, khi đó vì vốn chưa có nên gia đình chỉ nuôi 30 con và tận dụng diện tích nhỏ ở trong vườn.
Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Đồng Ích, gia đình anh mở rộng xây dựng chuồng trại nuôi 900 con rắn hổ mang. Theo anh Chung, rắn hổ mang ít bệnh tật bởi khả năng kháng bệnh cao. Tuy nhiên, nuôi rắn hổ mang phải thật cẩn thận, khi làm quen với rắn hổ mang phải nhẹ nhàng, bình tĩnh. Vừa qua, gia đình anh Chung xuất bán trên 1 tạ rắn hổ mang thịt và trứng rắn cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi rắn hổ mang ở xã Đồng Ích đã cho thấy rõ trên thực tế. Tuy nhiên, để nghề chăn nuôi rắn độc có cơ hội phát triển một cách bền vững, địa phương rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành hỗ trợ về vốn, trang bị kiến thức chăn nuôi, thị trường tiêu thụ...
Theo: Dương Hà
Dân Việt