Quảng Nam:
Làng bánh in truyền thống An Lạc hối hả vào Tết
(Dân trí) - Gần đến Tết cổ truyền, làng An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại nhộn nhịp với những mẻ bánh in, bánh da dẻo… thơm ngon nức mũi.
Cả làng An Lạc hiện có hơn 20 hộ làm nghề bánh in, chưa kể có những hộ dịp tháng Tết, nông nhàn, tranh thủ hoặc nhận gia công cho các cơ sở sản xuất lớn, hoặc tự làm để bán lẻ kiếm thêm thu nhập.
Đến với thôn An Lạc những ngày này, những tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm và đặc biệt là mùi thơm quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…
Người dân làng An Lạc làm bánh in quanh năm nhưng rộ nhất là mùa tháng Chạp. Từ bột nếp, đậu xanh, đường cát, hương liệu, cứ ai siêng thì làm được, vì các loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật cao hay tay nghề dày dặn.
Ngay từ đầu tháng Chạp, cả làng An Lạc, từ người già trên 80 tuổi cho đến đứa trẻ chừng lên 10, đã tất bật mỗi người mỗi việc.
Gia đình ông Đinh Xuân Cầm mỗi ngày có thể làm ra hơn 1 tạ bánh in các loại: bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh, bánh in nhiều màu sắc để thờ cúng.... “Các khâu làm bánh khá đơn giản, người làm chỉ cần chịu khó học hỏi là làm được. Đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xay nhuyễn trộn với bột nếp rồi nấu đường cho “tới” đổ vào hỗn hợp bột nếp đậu xanh trộn đều. Sau đó bỏ vô khuôn gỗ để in, đem bánh đi sấy, vào bao bì, và thế là xong” – ông Cầm chia sẻ.
Những ngày này, cả gia đình ông Nguyễn Mật cũng phải huy động hết năng suất để kịp giao bánh theo đơn đặt hàng. Đến thời điểm này, ông Mật cho biết gia đình đã sản xuất hơn 1,5 tấn bánh để bỏ mối cho bạn hàng.
“Năm nay, có thể nói nhà tôi làm bánh không kịp để bỏ mối cho bạn hàng. Tranh thủ làm cả ngày cả đêm, tận dụng tất cả lao động có được, vì đã nhận đặt hàng thì mình không thể thất hứa. Đến chừng 25-26 tháng Chạp là họ ngưng đặt bánh”- ông Mật cho biết thêm.
Theo ông Huỳnh Quang Trung (chủ cơ sở bánh Tường Vi) cho biết, khoảng vài năm trở lại đây sức mua bánh truyền thống tăng mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
“Từ khoảng 4 năm nay, cơ sở của tôi không cần phải trực tiếp đi bỏ mối tại các đại lý nữa mà bạn hàng đến tự đem bánh về. Ngoài ra, chuyện hàng tồn hay bán ế cũng không xảy ra nữa. Dù hiện nay nhiều loại bánh xuất hiện trên thị trường, nhưng bánh in An Lạc vẫn được nhiều người ưa chuộng, mua biếu người thân tận Sài Gòn, Huế…”- ông Trung hào hứng chia sẻ.
Ở làng An Lạc, các gia đình, cơ sở làm bánh in đều thống nhất mức giá chung, một lạng bánh in đậu xanh bán tại gốc là 3.000 đồng, bánh nếp 2.500 đồng.
Bà Võ Thị Hoài (chủ cơ sở bánh Kim Yến) cho biết, dù giá nguyên liệu có nhích lên nhưng giá bánh của làng vẫn bán như từ trước đến này. “Mấy tháng trước, giá đường tăng lên nhưng chúng tôi vẫn bán bánh với giá cũ. Bây giờ giá đường đã hạ một ít thì đến lượt nếp với đậu tăng giá, rồi lương trả cho thợ làm bánh tháng Chạp phải nhích hơn, nhưng sản phẩm làm ra vẫn y giá” - bà Hoài nói.
Làng bánh in An Lạc hối hả vào Tết
Làng bánh truyền thống An Lạc luôn đều đặn đỏ lửa mỗi dịp Tết góp phần gìn giữ hương vị tâm hồn Việt. Để mỗi dịp Tết dân tộc, những món bánh in, bánh dẻo… thơm phức, ngon ngọt lại được bày biện trên bàn cúng gia tiên.
N.Linh