Lan tràn tin bịa đặt đề xuất cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng Nhật

(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu khẳng định, thông tin Hiệp hội này đề xuất UBND thành phố Hà Nội cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng của Nhật là tin bịa đặt và đề nghị mọi người cảnh giác với những thông tin vô căn cứ.

Cách phục vụ tại trạm xăng dầu 100% vốn ngoại đầu tiên tại Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Cách phục vụ tại trạm xăng dầu 100% vốn ngoại đầu tiên tại Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Chiều ngày 11/10, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc UBND thành phố Hà Nội nhận được công văn của Hiệp hội các doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội đề xuất UBND thành phố ra quyết định cấm cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8).

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ngay sau đó, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định Hiệp hội không có bất cứ văn bản nào gửi lên UBND thành phố đưa ra đề xuất vô lý như trên.

Ông Ruệ khẳng định đó là tin bịa đặt và đề nghị mọi người cảnh giác với những thông tin vô căn cứ như vậy.

Như Dân trí đưa tin, những ngày gần đây, một doanh nghiệp lớn về xăng dầu của Nhật Bản là Idemitsu (IQ8) đã mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu đầu tiên có 100% vốn nước ngoài tại thị trường Việt Nam với độ chính xác được quảng cáo lên đến từng 0,01 lít. Cùng với đó là các trạm xăng được thiết kế hiện đại và lắp đặt những thiết bị tốt nhất từ Nhật Bản, các nhân viên cũng được đào tạo bàn bản, dịch vụ chuẩn Nhật Bản…

Trước đối thủ "đáng gườm", ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex, đơn vị chiếm thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, cho biết, tập đoàn đã chuẩn bị cho việc cạnh tranh này từ hàng chục năm trước.

Theo đó, ông Dũng khẳng định: “Với sự định vị chắc chắn của mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên khắp thị trường, chúng tôi sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch trên thị trường trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu”.

Để tạo cơ chế cạnh tranh, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam thì cho rằng: “Với sự tham gia của FDI, thị trường cần một sân chơi mới. Vì vậy, cần sớm bỏ giá cơ sở để tạo cạnh tranh sòng phẳng. Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bằng giá”.

Phương Dung