Lần đầu tiên xuất hiện trộm cước di động
Thông tin về một vụ trộm cước số điện di động 0912.345.345 mới xảy ra tại Hà Nội đã thực sự gây lo lắng cho nhiều người. Nạn nhân và là chủ của số thuê bao này là anh Bạch Hải Sơn trú tại 17 Hòa Mã, Hà Nội, hiện là cán bộ an ninh thuộc Bộ Công an.
Theo hóa đơn thanh toán tháng 10-2006 của Bưu điện Hà Nội gửi tới anh Sơn thì từ ngày 14/10 đến 26/10, cước điện thoại của anh tăng vọt kỳ lạ, lên tới hơn 16,7 triệu đồng (bình thường hằng tháng anh chỉ gọi hết 600 - 700.000đ).
Trong đó, số cước gọi đi nước ngoài là hơn 9,6 triệu đồng. Đáng chú ý, liên tục từ các ngày 18/10 đến 23/10, từ số thuê bao kể trên đã gọi đi các nước Canada, Hàn Quốc, Đức và Angola nhiều lần, trong đó có 24 cuộc gọi đi Hàn Quốc và có cuộc lên đến gần 104 phút (cước phí cuộc này hơn 56 USD) đến cùng một số thuê bao ở Hàn Quốc.
Theo lời kể của anh Sơn với báo giới, chiều 23/11, anh đã dùng số sim này từ năm 2003 và chuyển sang thuê bao trả sau từ cuối năm 2004. Anh Sơn khẳng định chưa bao giờ làm thất lạc sim hoặc cho ai mượn.
Đến tháng 5/2006, vì một số lý do riêng nên anh Sơn không dùng sim này nữa, tuy nhiên anh vẫn trả thuê bao 60.000đ/tháng để duy trì số sim rất đẹp này.
Bất ngờ, ngày 23/10 (một trong những ngày “cao điểm” có nhiều cuộc gọi đi Hàn Quốc), phía Trung tâm dịch vụ khách hàng Bưu điện Hà Nội đã thông báo tới gia đình anh Sơn rằng cước phí gọi đi nước ngoài đang tăng đột biến, khiến anh Sơn và gia đình rất lo lắng. Anh lập tức yêu cầu phía Bưu điện cắt thuê bao (nhưng 3 ngày sau, Bưu điện Hà Nội mới thực hiện việc cắt).
Mới đây, anh Sơn đã có khiếu nại về số cước phát sinh gửi lên Trung tâm Dịch vụ Bưu điện Hà Nội. Anh khẳng định không hề gọi tới những số điện thoại trên hoá đơn tháng 10/2006 và chúng hoàn toàn xa lạ với anh, yêu cầu phía Bưu điện sớm làm sáng tỏ vụ việc để không phải chi phí “oan” số tiền kể trên.
Ông Phạm Hồng Tuấn - Phó phòng quản lý thanh toán 2 thuộc Trung tâm dịch vụ khách hàng Bưu điện Hà Nội, cho biết sau khi tiếp nhận khiếu nại của anh Sơn, phía Bưu điện đã lập tức xác minh vụ việc.
Ông cũng cho rằng việc kẻ xấu chiếm đoạt số sim như thế này không hề dễ dàng, và đây là lần đầu tiên Trung tâm tiếp nhận xử lý trường hợp bị trộm cước kiểu này.
Hiện bưu điện chưa buộc anh Sơn phải trả ngay số cước kể trên, và sẽ yêu cầu VNPT kiểm tra việc sử dụng cũng như kích hoạt số sim 0912.345.345, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm. Ông cũng cho biết, khi cần thiết, phía bưu điện sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc.
Tuy nhiên, theo ông Cục trưởng A17 Bộ Công an trao đổi với báo giới chiều 23-11, về mặt kỹ thuật, việc chiếm đoạt số sim để trộm cước, nhất là với những số sim “đẹp”, là hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn theo một cán bộ khác của cơ quan an ninh Bộ Công an, hiện tượng này được gọi là sim đã bị “nhân bản”, và đối tượng nhất định phải là người có chuyên môn viễn thông, thậm chí phải là người công tác trong bộ phận kỹ thuật của VNPT.
Chỉ với số imei của điện thoại, số sim và số seri của sim, kẻ xấu có thể “cướp” sim mà không gặp nhiều khó khăn. Một trong những bằng chứng đơn giản của việc này là nếu bạn bị mất sim (mất điện thoại), bưu điện lại có thể trao cho bạn chính số sim đó trong thời gian khá ngắn...
Cũng ngay trong chiều 23/11, chúng tôi đã liên lạc với những số thuê bao di động và cố định (trong nước) mà sim 0912.345.345 đã gọi đến thể hiện trên hoá đơn thanh toán của anh Sơn, nhưng tất cả đều trả lời không hề có người quen nào đã có số như vậy. Rất có thể đối tượng đã sử dụng dịch vụ giấu số để gọi đi.
Vấn đề này sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc. Hy vọng phía VNPT sớm giải quyết “thử thách” này để làm yên lòng hàng triệu người đang sử dụng điện thoại.
Theo Tùng Duy
Báo Tiền phong