Làm rõ chi phí tái cơ cấu kinh tế để tránh lãng phí

(Dân trí) - Báo cáo thẩm tra đề án "Tái cơ cấu..." của UBKT Quốc hội cho rằng Chính phủ cần tính toán chi phí thực hiện để tránh dàn trải, lãng phí đồng thời lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” để làm rõ tính khả thi và thuyết phục.

Cần lượng hóa kết quả các giải pháp

Sau khi Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tóm tắt "Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh" trước Quốc hội ngày 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó nêu một số điểm cần hoàn thiện.
Làm rõ chi phí tái cơ cấu kinh tế để tránh lãng phí

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tính toán chi phí cho đề án tái cấu trúc không quá khó (Ảnh minh họa)

Trong đó, đáng chú ý là việc Ủy ban dẫn lời đa số thành viên cho rằng: việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế.

"Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp", ông Giàu trình bày.

Những đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, những tồn tại, yếu kém nêu trong đề án được Ủy ban Kinh tế nhất trí, tuy nhiên theo Ủy ban này, cần phân tích làm rõ nguyên nhân do thể chế chưa phù hợp, chính sách chưa đúng, chưa đủ hay đã có chính sách nhưng công tác tổ chức thực hiện chưa tốt. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp mới phù hợp hơn, vì hầu hết các nguyên nhân nêu trong đề án không mới.

Ủy ban Kinh tế cũng nếu ý kiến đánh giá về 13 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong đề án, theo đó "các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường".

Tái cấu trúc ngân hàng và DNNN phải gắn chặt với nhau

Đánh giá và đề nghị bổ sung nhiều vấn đề trong các nhóm giải pháp tái cấu trúc, Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự lưu ý đặc biệt tới việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, DNNN và đầu tư. Ủy ban này nhấn mạnh phải phối hợp các nhóm giải pháp với nhau để  tạo thành chính sách nhất quán.

Theo đó, "việc phối hợp chặt chẽ và hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác như thương mại, đầu tư là giải pháp hết sức quan trọng, là nguyên tắc trong điều hành kinh tế vĩ mô để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế".

Cụ thể, Ủy ban cho rằng cần có đề án chung về tái cơ cấu thị trường tài chính và lộ trình kèm theo. "Trước mắt, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền; quyền lợi và trách nhiệm của chủ sở hữu. Làm rõ nguồn tài chính thực hiện việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và phải có các biện pháp cụ thể để tránh thất thoát tài sản của nhà nước", ông Giàu trình bày, theo báo cáo thẩm tra.

Cũng theo đó, cần phát triển song song cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tập trung phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, giảm dần việc huy động vốn đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng...

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Nhà nước cần gắn với tái cơ cấu DNNN, tăng cường năng lực giám sát thị trường tài chính; nâng cao vai trò, trị trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là Ngân hàng Trung ương. Ủy ban kiến nghị từng bước xây dựng Ngân hàng Trung ương theo hướng độc lập thực thi chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.

Đối với nhóm giải pháp về tái cơ cấu doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị xây dựng hệ thống thể chế với ưu tiên đầu tiên là xây dựng cơ chế quản lý minh bạch của DNNN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng. Sử dụng vốn và tài sản có hiệu quả, giảm dần và loại trừ các chi phí ngoài kinh doanh, công bố minh bạch thông tin định kỳ rộng rãi trước công chúng.

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, việc tái cơ cấu cần chú trọng tăng năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng tính minh bạch hoạt động, kết quả tài chính, tiến tới huy động vốn trên thị trường vốn để đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh khi có nhu cầu, giảm phụ thuộc vào đầu tư công và vốn tín dụng thương mại ngân hàng.

Đặc biệt, đối với các DNNN, Ủy ban đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. Thay vào đó, DNNN cần đi trước, "mở đường" ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao.

"Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra khỏi các ngành kinh doanh không liên quan nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhất là trong lĩnh vực tài chính liên quan chặt chẽ đến đề án tái cơ cấu thị trường tài chính, nên cần có lộ trình thực hiện một cách cẩn trọng để tránh gây đột biến lớn đối với nền kinh tế", báo cáo nói thêm.

Ủy ban cũng đề nghị kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, vốn là việc của chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.

Hồng Kỹ