1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lạm phát, giá vàng: Ép “duyên”

(Dân trí) - Như đã thành thông lệ, ngay khi giá vàng vừa rục rịch tăng lên, nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là lạm phát. Thực tế có lẽ không hoàn toàn như vậy, dường như giá vàng đang bị “ép duyên” một cách khá khiên cưỡng cùng lạm phát.

Trong khi  CPI tháng 7 đã giảm nhẹ so với tháng 6 và đến tháng 8 lại bất ngờ giảm mạnh với mức tăng chỉ là 0,24% so với mức tăng 0,52% của tháng 7 thì chỉ số giá vàng vẫn đều đặn tăng. Giá vàng tháng 8 tăng tới 1,75%.
 
Đầu tư vàng sẽ trỗi dậy?
 
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, chống lại lạm phát và phòng ngừa rủi ro mất giá của tiền tệ. Ngân hàng trung ương toàn cầu có thể in ra một lượng vô hạn tiền giấy nhưng không thể tạo ra được dù chỉ một ounce vàng.
 
Họ phân tích: từ đầu năm 2009 giá vàng gia tăng cùng với nhiều tín hiệu phục hồi của nền kinh tế và dự báo cho một sự hồi phục sau khủng hoảng. Việc giá vàng gia tăng là một tín hiệu cho thấy nỗi lo lạm phát quay trở lại một khi nền kinh tế phục hồi.
 
Vì để đối phó với khủng hoảng, các quốc gia thông qua các biện pháp kích cầu đã bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế với khối lượng và mức độ cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng tốc. Điều này dẫn đến vàng được lựa chọn là kênh đầu tư an toàn nhằm tránh sự mất giá của tiền tệ.
 
Các nhà phân tích cho rằng đầu tư vàng trỗi dậy trong năm nay được đánh dấu bằng sự kết hợp giữa mối quan ngại đồng USD yếu đi (thậm chí là lo ngại về diễn biến các đồng ngoại tệ mạnh khác) và sự lo lắng của các nhà đầu tư về vấn đề lạm phát tăng cao trong dài hạn. Nếu những quan ngại này ngày càng rõ ràng thì thị trường sẽ chứng kiến việc đầu tư ồ ạt vào vàng, đặc biệt là đối với những người trong danh mục đầu tư chưa có vàng.
 
Ngay từ năm 1966, Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Fed cũng đã từng nhận định “không có cách gì bảo vệ tiền tiết kiệm khỏi sự mất giá trị do lạm phát nếu không có chế độ bảo đảm bằng vàng”.
 
Lạm phát, giá vàng: Ép “duyên” - 1
Giá vàng là chỉ số không thể dự báo.
 
Đối tượng cho hoạt động đầu cơ
 
Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ đã qua đi và điều này không thể tiếp tục được duy trì như một “chân lý”. Chẳng hạn như tại Việt Nam, trong năm 2008, khi lạm phát lên tới trên 20% thì giá vàng lại giảm sâu.
 
Như trong thời điểm tháng 4 và tháng 5/2008, lạm phát có xu hướng tăng cao trên 11%/tháng, vàng lại quay đầu giảm từ đỉnh giá 19,5 triệu/đồng chỉ (vàng SJC) xuống còn 17,018 triệu đồng/chỉ.
 
Nhìn lại một cách dài hơi thì ngay từ những năm 2000, lạm phát và giá vàng ở Việt Nam cũng biến động không theo bất kỳ quy luật nào. VD giá vàng đã đạt mức 1 triệu đồng/chỉ vào đầu tháng 12/2005, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2000, trong khi chỉ số giá tích lũy trong giai đoạn này tăng khoảng 30%.
 
Giá vàng tiếp tục tăng gần gấp đôi tới trên 1,9 triệu đồng/chỉ vào tháng 12/2007, trong khi chỉ số giá tích lũy tăng 16% tương ứng 2005 - 2007.
 
Theo TS Hoàng Việt Hà, trong vòng 30 năm trở lại đây, giá vàng và lạm phát không còn mối quan hệ cụ thể nào với nhau. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.
 
Giá vàng đã tăng từ 105 USD/ounce năm 1976 lên tới 850 USD/ounce năm 1980 khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng 28%. Sau năm 1980, giá vàng tụt dốc xuống còn 256 USD/ounce vào năm 2001 thì chỉ số giá lại vẫn tăng lên khoảng gấp đôi trong giai đoạn này.
 
Gần đây, khi giá vàng tăng từ 256 USD/ounce năm 2001 lên tới 1.011 USD/ounce vào tháng 3/2008 thì chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ tăng tích lũy khoảng 20%. “Những con số trên cho thấy, giá vàng biến động không theo biến động của lạm phát” - ông Hà khẳng định.
 
Cũng theo TS Hà, vàng đã trở thành một đối tượng cho hoạt động đầu cơ. Chia sẻ thêm về điều này, một TS kinh tế thuộc Thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ tiết lộ: “Giá vàng trong nước có thể lên hay xuống chỉ bằng một cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về của giới đầu cơ, không phải vì lạm phát hay thiểu phát gì! Giá vàng là chỉ số không thể dự báo và cũng không có căn cứ nào đủ tin cậy để có thể đưa ra dự báo"!
 
Khi đã trở thành đối tượng cho hoạt động đầu cơ thì rõ ràng rủi ro trong đầu tư dài hạn vàng là vô cùng lớn. Lịch sử cũng đã chứng minh điều này.
 
Giả sử, vào thời điểm tháng 12/1974, khi giá vàng là 195 USD/oune, nhà đầu tư quyết định mua vào thì sẽ bị mất một nửa giá trị vào đầu năm 1977. hay như vào thời điểm từ năm 1996 đến năm 2004, giá vàng giảm từ 400 USD/ounce tháng 1/1996 xuống còn 250 USD/ounce tháng 1/2001 và phải tới tận tháng 1/2004 mới hồi phục mức giá của tháng 1/1996.
 
Đoàn Trần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm