Làm gì để tránh hối tiếc trong sự nghiệp?

Haru

(Dân trí) - Tiếc nuối về sự nghiệp là một trong những loại tiếc nuối phổ biến nhất. Nhưng rất nhiều người hối tiếc vì lựa chọn quá an toàn, trong khi đó ít người cảm thấy tiếc nuối vì đã mạo hiểm.

Bloomberg đã có cuộc phỏng vấn với ông Daniel H. Pink, tác giả cuốn "The power of regret: How Looking Backward Moves Us Forward."" (Tạm dịch "Quyền năng của Tiếc nuối: Nhìn lại quá khứ thôi thúc ta tiến về phía trước"), về những điều con người cảm thấy tiếc nuối trong sự nghiệp và ước rằng họ đã không làm như vậy, cũng như trả lời câu hỏi vì sao các công ty nên khuyến khích nhân viên của mình phát biểu ý kiến.

Làm gì để tránh hối tiếc trong sự nghiệp? - 1

Tiếc nuối về sự nghiệp là một trong những loại tiếc nuối phổ biến nhất (Minh họa: iStock).

Khi bắt đầu đọc cuốn sách mới của ông, "Quyền năng của Tiếc nuối", tôi nghĩ rằng mình không có nhiều điều phải hối tiếc. Nhưng khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận ra mình đã lầm. Tôi có nhiều tiếc nuối và nhiều người khác cũng vậy. Cuốn sách của ông được viết một phần dựa trên câu trả lời của 16.000 người trong một khảo sát của ông về những điều tiếc nuối trong cuộc sống. Hầu hết những tiếc nuối của họ thuộc một trong 4 loại: tiếc nuối nền tảng (bất ổn tài chính), tiếc nuối về mối quan hệ (mối quan hệ không được ủng hộ), tiếc nuối về sự can đảm (không chấp nhận đủ rủi ro) và tiếc nuối về đạo đức (những vi phạm đáng tiếc). Tôi rất muốn biết rõ hơn về những tiếc nuối trong sự nghiệp. Chúng có trong khảo sát của mình không?

- Hai điều tiếc nuối phổ biến nhất là không đủ dũng cảm và không lên tiếng. Dũng cảm hơn là có tham vọng hơn trong công việc, không chấp nhận mãi một công việc mờ nhạt. Chúng ta sẽ tiếc nuối rất nhiều nếu không lên tiếng: "Tôi ước gì mình đã nói ra điều gì đó" hay "Tôi có ý kiến về điều đó nhưng tôi đã phát biểu" hoặc "Tôi ước mình quyết đoán hơn".

Còn hối tiếc về sự lựa chọn nghề nghiệp thì sao? 

- Không có nhiều người tiếc nuối về điều này lắm. Và hầu hết họ đều nói rằng: "Lẽ ra tôi nên theo đuổi ước mơ của mình thay vì làm công việc này". Có một số nhỏ hơn thì nói rằng: "Thật sai lầm khi trở thành một nghệ thuật gia. Đáng lẽ tôi nên làm một kế toán".

Chúng ta sẽ không có nhiều hối tiếc khi làm những điều mà chúng ta thích thú, ngay cả khi công việc đó không mang lại cho mức lương cao nhất. Có đúng vậy không, thưa ông?

- Rất nhiều lần chúng ta đánh giá các quyết định của mình dựa trên kết quả của chúng thay vì dựa trên tính toàn vẹn của quyết định tại thời điểm đó. Tôi ngạc nhiên khi nhận được nhiều câu trả lời khác với những gì tôi nghĩ. Tôi nhớ có một chàng trai đã nói rằng: "Tôi kinh doanh và đã thất bại. Nhưng tôi thực sự vui vì tôi đã làm điều đó. Bởi vì bây giờ tôi đã biết câu trả lời. Tôi sẽ không phải hỏi câu hỏi "điều gì xảy ra nếu..." nữa".

Còn điều gì khác khiến ông ngạc nhiên?

- Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng những người được đào tạo chính quy lại có nhiều tiếc nuối về sự nghiệp hơn những người không được đào tạo chính quy. Nó giống kiểu người có nhiều cơ hội hơn sẽ có nhiều cơ hội để từ bỏ hơn.

Trong cuốn sách, ông nói đến về những điều tiếc nuối của những người không có một nền tảng tài chính an toàn. Họ có hối hận vì đã không làm một công việc kiếm được nhiều tiền hơn không? 

- Những tiếc nuối về tài chính liên quan nhiều đến chi tiêu và tiết kiệm hơn là kiếm tiền. Họ chủ yếu hối tiếc về việc mua những thứ chỉ khiến họ cảm thấy thoải mái tại thời điểm đó, và tệ hơn nữa là việc họ đã phải vay mượn để mua những thứ đó. Nhiều người nói rằng: "Thật không thể tin tôi đã đi ăn hàng và tôi không tiết kiệm tiền" hay "Khó có thể tưởng tượng được rằng tôi đã không tiêu tiền khi còn trẻ. Tôi không tin rằng tôi không hiểu thế nào là lãi suất kép nhưng đã quá muộn".

Với một nền tảng tốt, bạn hoàn toàn có cơ hội và khả năng để thử thách bản thân. Ngược lại, nếu nền tảng của bạn không ổn định, bạn thậm chí khó có thể nghĩ đến việc thử sức. 

Liệu mọi người có trở nên mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp hay không nếu có nhiều mạng lưới an toàn tài chính hơn?

- Nếu có một cuộc sống ổn định, họ sẽ dám chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp, và thậm chí còn  dành nhiều thời gian hơn cho người thân của mình vì họ không bị áp lực bởi mưu sinh. Bốn điều tiếc nuối cốt lõi này chỉ cho chúng ta cách để có một cuộc sống tốt đẹp: Mọi người muốn một số ổn định; muốn học hỏi, trưởng thành và đóng góp; muốn có những mối quan hệ thân thiết; và muốn làm những điều đúng đắn.

Dường như nhiều người tiếc nuối vì đã không học cao hơn, mặc dù việc học rất tốn kém. Ông đã từng nghe ai nói rằng họ hối hận vì món nợ sinh viên hay không?

- Tôi nhận được 19.000 câu trả lời, nhưng chỉ có 38 người nói đến "khoản vay dành cho sinh viên". Và hầu hết những người này theo học tại trường đại học tư thục. Một người nói rằng họ hối hận vì đã vào một trường đại học tư trong khi họ không đủ khả năng chi trả học phí và chuyên ngành họ học không kiếm được nhiều tiền. Đó là một điển hình.

Có một số bằng chứng cho thấy những người trẻ ngày nay có thể đang trì hoãn việc có con vì lý do tài chính hoặc nghề nghiệp, hoặc thậm chí xem xét việc không có con. Nhưng trong cuốn sách của ông, khoảng 20 người trong số hơn 16.000 người được khảo sát nói rằng họ hối hận vì đã có con. Bài học ở đây là gì?

- Nhiều người tiếc nuối vì không có con hơn là có con.  Nó cho thấy tầm quan trọng của tình yêu, sự kết nối và ý nghĩa trong cuộc sống. Cũng có khảo sát cho thấy rằng hạnh phúc hàng ngày của con người giảm bớt sau khi chúng ta có con, nhưng hạnh phúc cả đời lại tăng lên đáng kể bởi vì chúng ta có thêm người để yêu thương và đồng hành trong suốt cuộc đời. Con cái là một di sản.

Bài học nào dành cho các nhà lãnh đạo từ cuốn sách này hay từ các nghiên cứu? 

- Khi ai đó nói với bạn về điều họ tiếc nuối, đồng nghĩa với việc họ cho bạn biết họ muốn gì. Có nhiều cách để tạo nên một văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, và một trong số đó là mức độ ổn định. Một nguyên nhân dẫn đến cuộc "đại từ chức" là mọi người nghỉ việc vì công việc đó tệ hại, họ không biết tương lai như thế nào, họ không biết rõ lịch làm việc của mình, họ không được đối xử tốt, hay họ không được trả mức lương tương xứng.

Một trong những điều tiếc nuối đáng buồn nhất tôi biết được là của một chàng trai. Cậu ta đã làm việc cho một công ty trong 30 năm, nhưng cậu lại không có một người bạn thực sự ở đó. Câu chuyện của chàng trai này cho thấy rằng mọi người đều mong muốn có những mối quan hệ.

Lãnh đạo công ty nên quan tâm đến những tiếc nuối của nhân viên về việc lên tiếng, và cảm giác của họ khi họ không thể lên tiếng. Một khi văn hóa công ty không làm cho họ cảm giác an toàn, họ sẽ không lên tiếng. Họ quan tâm đến việc làm sao để không thất bại hơn là làm một điều gì đó thú vị và hấp dẫn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một bài học lớn.

Lời khuyên nào khác cho các nhà lãnh đạo?

- Các nhà lãnh đạo nên chia sẻ những điều khiến họ cảm thấy hối tiếc và làm cho những điều đó trở nên bình thường thay vì cố gắng sống một cách hoàn hảo. Những khảo sát cho thấy khi chúng ta chia sẻ vấn đề của mình với người khác, họ sẽ không chê cười chúng ta, mà ngược lại, họ đánh giá chúng ta cao hơn. Khi một lãnh đạo chia sẻ với nhân viên về những điều tiếc nuối và coi trọng những điều đó, anh/cô ta sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn.

Ta nên làm gì khi có những tiếc nuối trong sự nghiệp?  

Tiếc nuối về sự nghiệp là một trong những loại tiếc nuối phổ biến nhất. Vì vậy, hãy đối xử với bản thân tốt hơn. Khi bạn chia sẻ điều đó với người khác, có thể sẽ có những ý kiến trái chiều. Hãy viết nó ra, và bạn sẽ cảm thấy điều đó không quá lớn. Bạn có thể rút ra một bài học từ nó.

Đây là lý do tại sao tôi rất thích các bản sơ yếu lý lịch không hoàn hảo. Cá nhân tôi cho rằng bạn nên nêu những thất bại và khó khăn bạn gặp phải trong sơ yếu lý lịch, những bài học bạn học được từ chúng và những gì bạn sẽ làm để giải quyết vấn đề đó.

Nói chung, không ai muốn gặp rủi ro trong sự nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều người hối tiếc vì lựa chọn quá an toàn, trong khi đó ít người cảm thấy tiếc nuối vì đã mạo hiểm.

Theo Bloomberg