1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Làm ăn với Mỹ: Nhìn từ bài học của Hàn Quốc, Philippines

(Dân trí) - Thành công hay thất bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cách thức của chính quyền sở tại ứng phó với các chính sách và sự thực tế của Mỹ. Hàn Quốc và Philippines có lẽ là hai trường hợp điển hình nhất.

Khi ông trùm bất động sản Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, dường như cả thế giới đổ dồn sự chú ý về ông chủ Nhà trắng vì những tuyên bố cứng rắn và quyết sách táo bạo.

Mới đây nhất, ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh di trú mới, trong đó có việc tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yeman) nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Hàng Loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ để phản đối sắc lệnh di trú mới này.

TS Huỳnh Thế Du trong một lần trả lời phỏng vấn của PV Dân trí (Ảnh: Phạm Nguyễn)
TS Huỳnh Thế Du trong một lần trả lời phỏng vấn của PV Dân trí (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Những chính sách và tính cách của ông Trump rất khó đoán định nhưng có một điều dường như sẽ không thay đổi là các chính sách bên ngoài của Mỹ chỉ phục vụ duy nhất cho lợi ích của nước Mỹ và đối với từng trường hợp cụ thể nó gắn chặt với lợi ích của những người liên quan dựa trên tính thực tế của người Mỹ.

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, khó ai có thể phủ nhận vai trò then chốt của Mỹ trên thế giới trong một thế kỷ qua. Vị trí siêu cường của quốc gia này được xây dựng trên cả 2 trụ cột: quyền lực cứng - sử dụng vũ lực, đe doạ, trừng phạt hoặc tiền bạc; và quyền lực mềm - sử dụng sức hấp dẫn và thuyết phục để đạt được mục tiêu. Những nước tranh thủ được sự ảnh hưởng bởi quyền lực mềm của Mỹ thường gặt hái được thành công; trái lại nếu rơi vào vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi quyền lực cứng của Mỹ thì thường gặp rắc rối.

Chuyên gia kinh tế này khẳng định, chơi với bất kỳ ai cũng vậy, nhất là các nước lớn cần phải nhìn trực tiếp vào lợi ích của đối tác. TS Du dẫn lại lời của ông Lý Quang Diệu, người rất hiểu các nước lớn rằng: "Các siêu cường hiểu rằng, rất là nguy hiểm nếu đụng độ trực tiếp với nhau. Vì vậy, họ sử dụng các nước thứ ba để mở rộng sự ảnh hưởng của mình". Do đó, thành công hay thất bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào cách thức của chính quyền sở tại ứng phó với các chính sách và sự thực tế của Mỹ.

TS Du cho rằng, khi xác định đường hướng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, cần xem xét những bài học hay những gì đã xảy ra trên thực tế ở các nước
TS Du cho rằng, khi xác định đường hướng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, cần xem xét những bài học hay những gì đã xảy ra trên thực tế ở các nước

TS Huỳnh Thế Du cho rằng, Hàn Quốc và Philippines là hai trường hợp điển hình nhất về quan hệ hợp tác, làm ăn với Mỹ.

TS Du cho rằng, thành công của Hàn Quốc có dấu ấn của Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tự chọn, quyết định đường đi của mình mà trên thực tế không như ước muốn, ý đồ của Mỹ. Cho đến giờ này, hầu hết đều thừa nhận Park Chung-hee là người có vai trò quan trọng nhất đối với sự thành công của Hàn. Sở dĩ chính quyền của Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) bị Park Chung-hee lật đổ là do sự bất tài tham nhũng và phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ của Mỹ... Nội các của Park Chung-hee đã dựa vào Mỹ để phát triển đất nước chứ không phụ thuộc vào Mỹ trong các chính sách của mình và điều này không ít lần làm Mỹ phật lòng. Ông và các đồng sự của mình biết Mỹ cần gì và cũng biết mình cần gì từ đồng minh Mỹ nên đã tận dụng mối quan hệ với siêu cường này để có các nguồn lực cần thiết.

Điều mà Hàn Quốc hưởng lợi nhất từ Mỹ có lẽ là hình mẫu phát triển của quốc gia này (quyền lực mềm của Mỹ). Nhiều du học sinh Hàn trở về từ Mỹ đã mang những kiến thức cũng như hình mẫu kinh doanh, cấu trúc xã hội, thể chế từ Mỹ để tạo ra những công ty siêu toàn cầu...

Ở thái cực ngược lại, không nước nào có ảnh hưởng, đóng vai trò then chốt đối với Philippines bằng Mỹ trong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, những gì mà Philippines đạt được sau hơn nửa thế kỷ qua là thất vọng. Những năm 1960, quyền lực Tổng thống Philipphines Ferdinan Marcos được đem so sánh với gia đình Tổng thống Mỹ Kennedy. Tuy nhiên, thành quả đem lại của chính quyền Ferdinan Marcos là gia đình các quan chức cao cấp chính phủ... đọ giàu với nhau.

Khi Mỹ rút khỏi TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp khó?
Khi Mỹ rút khỏi TPP, ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp khó?

Trên thực tế, những khoản viện trợ cũng như chi phí Mỹ trả cho việc "thuê" căn cứ quân sự ở Philippines đã tạo ra những miếng bánh béo bở cho những người cũng như nhóm lợi ích liên quan. Quốc gia này không thể "ngóc đầu" một phần vì quá phụ thuộc vào "bầu sữa"... viện trợ.

"Trong thập niên 1950, vị thế của Philippines trong khu vực chỉ sau Nhật Bản nhưng đến giờ này như thế nào thì ai cũng thấy. Cách mà Tổng thống Duterter phản ứng với Mỹ và được lòng dân không phải là ngẫu nhiên mà nó đều có căn nguyên sâu xa", TS Du nhấn mạnh.

"Khi xác định đường hướng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ, cần xem xét những bài học hay những gì đã xảy ra trên thực tế ở các nước. Thành công của Hàn, Singapore, Đài Loan... rất đáng tham khảo. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện Philippines, cũng hết sức lưu ý những trục trặc khi làm ăn với các công ty Mỹ mà các nước khu vực châu Mỹ La tinh phải gánh chịu", TS Du khuyến cáo.

Công Quang