Lãi suất tiền gửi vẫn tăng mạnh, có ngân hàng gần 9%/năm

Thảo Thu

(Dân trí) - Chỉ trong 2 tuần trở lại đây, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh tăng mạnh. Nhiều ngân hàng có lãi suất huy động trên 8%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) hôm 8/10 điều chỉnh tăng 1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng. 

Cụ thể, khi gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất là 8,9% áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất dưới 6 tháng ở mức trần 5%, lãi suất 6 và 9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,55%. Đây cũng là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Trước đó, vị trí này thuộc về ABBank với lãi suất 8,8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 13 tháng.

Techcombank mới đây cũng niêm yết biểu lãi suất mới tăng từ 0,3-1%/năm tại nhiều kỳ hạn. Với tiền gửi từ 1-3 tháng, lãi suất Techcombank tăng kịch trần lên mức 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất từ 6,7-7,2%/năm, tại kỳ hạn 12 tháng từ 7-7,5%/năm.

*Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng (đơn vị: %/năm)

 Ngân hàng6 tháng (tại quầy)

 6 tháng (online)

12 tháng (tại quầy) 12 tháng (online)
 SCB7,47,95 7,78,55
 VietABank6,37,26,77,7
 MSB5 75,6 7,5
 CBBank7,17,27,457,5
 Kienlongbank77,37,17,4
 Vietcapital Bank6,56,877,3
OCB676,77,3
BacABank7777,2
DongABank6,66,67,27,2
NamABank5,456,76,77,2
VietBank6,26,56,87,1
MB5,75,96,87

Hay VPBank có biểu lãi suất huy động mới, tăng 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này hiện niêm yết ở mức 8%/năm dành cho mức tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng. Với khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được cộng lãi suất thêm 0,1%/năm so với biểu lãi suất hiện hành. Do đó, khách hàng ưu tiên của VPBank có thể được hưởng lãi suất tối đa tới 8,1%/năm, cho kỳ hạn 36 tháng.

Với khoản gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 12 tháng tại VPBank, lãi suất cao nhất dao động 6,7-7,5%/năm. Còn với các khoản gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động của VPBank kỳ hạn 12 tháng dao động 6,5-7,3%/năm; kỳ hạn 36 tháng 7-7,8%/năm.

Trước đó, VPBank cũng đã có đợt tăng mạnh lãi suất thêm 0,7-1%/năm trong tuần cuối tháng 9.

Sacombank cũng niêm yết biểu lãi suất mới, được áp dụng từ ngày 6/10 với mức cao nhất chạm mốc 8%/năm dành cho tiền gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng dao động 7-7,3%/năm; kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng lãi suất từ 7,4-7,7%/năm. Với tiền gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng ở mức từ 6% trở lên; kỳ hạn 12-36 tháng, lãi suất từ 7% trở lên.

Các mức lãi suất mới được Sacombank áp dụng đã tăng khoảng 0,5-0,7%/năm so với trước.

MSB cũng điều chỉnh biểu lãi suất cao nhất lên mức 8%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Lãi suất tiền gửi vẫn tăng mạnh, có ngân hàng gần 9%/năm - 1

Chưa đầy 2 tuần, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Lãi suất sẽ còn tăng?

Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã quay về giai đoạn trước Covid-19, nhiều chuyên gia dự kiến lãi suất huy động vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các ngân hàng đã tìm nhiều cách để hút tiền về, nhưng chênh lệch huy động/tín dụng chưa được cải thiện nhiều. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%.

Theo kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV do Ngân hàng Nhà nước công bố, có tới 59-61% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37%/năm trong quý cuối năm. Cả năm 2022, có 66-69% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57%/năm.

Báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng lãi suất sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. VNDirect dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,4-6,5%/năm vào cuối năm nay. Đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng nhỏ có thể còn cao hơn.