Lãi suất tiền gửi nóng ran, có dễ áp dụng mức "đồng giá" cao nhất 9,5%/năm?

Việt Đức

(Dân trí) - Dù có sự đồng thuận về việc lãi suất huy động không quá 9,5%/năm, chuyên gia đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng nhỏ vốn bất lợi trong cuộc đua lãi suất.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổ chức cuộc họp kêu gọi các ngân hàng thương mại về việc mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, tối đa là 9,5%/năm. Việc này nhằm tránh ngân hàng tìm mọi cách hút tiền gửi của người dân, ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Phía VNBA cho hay đại diện các ngân hàng thương mại tham gia cuộc họp ngày 15/12 cũng đã thống nhất về mức lãi suất trên, đồng thời cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện tại, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng, 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5% đến 3%/năm.

Ngân hàng nhỏ sẽ khó huy động hơn

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Khanh - Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS - đánh giá việc đồng thuận lãi suất huy động tối đa ở mức 9,5%/năm hạn chế việc đẩy lãi suất lên quá cao. Khi đó, các ngân hàng quy mô tầm trung trở lên sẽ thuận lợi hơn những ngân hàng nhỏ. Thông thường, các ngân hàng quy mô nhỏ luôn niêm yết lãi suất cao hơn mặt bằng chung để thu hút tiền gửi của khách hàng. 

Dù vậy, ông Khanh đánh giá các ngân hàng hiện nay rất linh động. Họ có thể điều chỉnh nhiều mức lãi suất huy động khác nhau với mỗi kỳ hạn, tìm thêm nguồn vốn trên thị trường 2 (giao dịch liên ngân hàng, giữa các định chế tài chính với nhau, giao dịch với Ngân hàng Nhà nước) nếu việc huy động tiền gửi trên thị trường 1 (giao dịch giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, người dân) gặp khó khăn. 

Theo ông Khanh, việc một số ngân hàng quy mô tầm trung trở lên thời gian qua thu hút được nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế là một tín hiệu tốt. Nhìn chung, ông Khanh dự báo thanh khoản của ngành ngân hàng từ giữa năm 2023 sẽ ổn định hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính - Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, cũng đánh giá trong cuộc đua huy động vốn, các ngân hàng thương mại nhỏ luôn đưa ra mức lãi suất cao hơn do không có lợi thế về hệ thống, tệp khách hàng. 

Theo khảo sát của Dân trí, đến cuối ngày 16/12, một số ngân hàng thương mại như NCB, SCB, Saigonbank, BaoVietBank, Dong A Bank, Bac A Bank vẫn niêm yết mức lãi suất trên 9,5%/năm đối với một số kỳ hạn. 

Lãi suất tiền gửi nóng ran, có dễ áp dụng mức đồng giá cao nhất 9,5%/năm? - 1

Ngân hàng nhỏ gặp bất lợi, luôn sử dụng lãi suất cao để hút được tiền gửi của khách hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Hệ lụy nếu ngân hàng lách trần 

Với việc các ngân hàng đồng thuận không đẩy lãi suất huy động vượt 9,5%/năm, ông Huân cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ vì nhóm này sẽ gặp bất lợi hơn so với những tổ chức tín dụng lớn trong việc thu hút tiền gửi. Nếu không có sự hỗ trợ về thanh khoản, một số đơn vị có thể tìm cách lách quy định nếu gặp khó khăn khi huy động tiền gửi.

Ông nhắc lại hơn 10 năm trước, từng có lúc Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức trần lãi suất huy động nhưng một số tổ chức đã dùng cách chi lãi ngoài cho khách hàng để lách luật, dẫn đến nhiều hệ lụy rất xấu.

Cũng theo chuyên gia này, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ nếu chỉ áp dụng qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn 1-2 tuần, 1 tháng sẽ không giải quyết được các khó khăn về thanh khoản lâu dài. Chỉ khi các ngân hàng nhỏ được hỗ trợ thanh khoản một cách dài hạn thông qua lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cuộc đua lãi suất mới có thể chấm dứt. 

"Lãi suất tối đa 9,5%/năm nhưng Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo được thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ thì họ mới triển khai được. Việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng là điều bắt buộc nếu muốn dừng cuộc đua lãi suất", ông Huân nói thêm và khẳng định việc điều hành luôn phải phù hợp với tín hiệu thị trường.  

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, về lâu dài, tỷ giá là yếu tố quan trọng để giữ mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng ổn định. "Tỷ giá ổn định xong thì sẽ đến lãi suất, hai vấn đề liên thông với nhau. Khi tỷ giá đã ổn rồi thì các vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn", ông Khanh nhận định. 

Ông đánh giá tình hình tỷ giá hiện đã ổn định hơn so với giai đoạn nóng trước đây. Đó là một thành công lớn. Nếu lạm phát năm tới tiếp tục được kiểm soát, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng cũng sẽ dần được kìm lại, qua đó lãi suất cho vay cũng sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, ông Khanh cũng lưu ý vấn đề lạm phát của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến chung trên toàn cầu.

Trong cuộc họp do VNBA chủ trì ngày 15/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống nói chung, đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng nói riêng là nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian tới, các ngân hàng đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Việc thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện xác định hạn mức tín dụng năm 2023 cho ngân hàng đó, bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn theo dõi sát hoạt động trên thị trường, có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.