Lãi suất huy động USD sẽ giảm?

Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản của đồng USD vào giữa tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh TPHCM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD khoảng 0,02%.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vietcombank TPHCM cho biết, hiện lượng ngoại tệ tại Chi nhánh tương đối dồi dào, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp vẫn ổn định, nên không nhất thiết phải duy trì mức lãi suất huy động cao. Trước đó, Vietcombank cũng đã cắt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND.

Có thể nói, việc FED cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vừa qua là một cú sốc đối với nhiều ngân hàng trong nước, nhất là khối ngân hàng cổ phần, vì theo dự đoán trước đó của các ngân hàng, FED chỉ có thể giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, trong khi các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động USD lên mức khá cao so với mức FED công bố.

Theo ông Thanh, nhiều khả năng, lãi suất huy động bằng USD trong nước sẽ còn giảm trong thời gian tới, vì lượng ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào, do dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, lượng kiều hối chảy về nước cũng cao hơn.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cũng cho rằng, việc cắt giảm lãi suất huy động USD của các ngân hàng trong nước chỉ còn là thời gian.

Thế nhưng, mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vẫn tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi bằng USD. Theo đó, kể từ ngày 15/10, lãi suất huy động ngoại tệ mới tại Eximbank có biên độ tăng từ 0,05% đến 0,1%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 của Eximbank kể từ đầu năm 2007 đến nay.

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho rằng, sở dĩ Ngân hàng tăng lãi suất USD vì muốn có nguồn dồi dào để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của khách hàng tăng cao vào thời điểm cuối năm.

Trong khi đó, ngày 16/10, Ngân hàng Agribank cũng đã chính thức tăng lãi suất tiết kiệm USD. Cụ thể, lãi suất huy động tiết kiệm USD không kỳ hạn là 1,25%/năm, kỳ hạn 24 tháng trả lãi sau là 5,30%/năm đối với cá nhân và 5% đối với tổ chức. Lãi suất huy động tiết kiệm bậc thang bằng USD từ 1 tháng đến 3 tháng 4,40%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 4,8%/năm...

Lãi suất huy động USD trong nước đang diễn biến trái chiều, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Phước Thanh, các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ vừa qua xuất phát từ thực tế là mặt bằng lãi suất của họ chưa ngang bằng với các ngân hàng bạn.

Nếu so với một số ngân hàng cổ phần như ABBANK, VIB Bank thì mức lãi suất huy động USD của Eximbank, Agribank vẫn thấp hơn khoảng 10 - 15%. Cụ thể, lãi suất sau khi tăng của Eximbank ở kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,25%/năm, trong khi nếu gửi tiết kiệm bằng USD tại ABBANK, VIB Bank, mức lãi suất lên đến 5,45%/năm, thậm chí còn chạm mức 5,70%/năm, nếu khách hàng gửi số tiền từ 50.000 USD trở lên.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, so với đầu năm, lãi suất tiền gửi USD của ngân hàng trên địa bàn tăng 0,4 - 0,45%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động VND không có biến động lớn nào so với đầu năm.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, huy động vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng tăng chậm hơn so với VND. Tính đến ngày 31/9, vốn huy động bằng USD chiếm 26,38% tổng huy động vốn của toàn ngành ngân hàng tại khu vực TPHCM (tỷ lệ này cuối năm 2006 là 30,8% và cùng kỳ năm trước là 33%).

Trong khi đó, dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ lại liên tục tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay.

Đến thời điểm này, cung - cầu về ngoại tệ đang có dấu hiệu cân bằng và thậm chí còn dư thừa. Theo dự báo của các chuyên gia ngành tài chính, lãi suất huy động USD có thể sẽ giảm trong thời gian tới, vì lãi suất của FED hiện chỉ là 4,75%/năm và do trên thực tế, lãi suất huy động USD trong nước luôn liên kết chặt chẽ với lãi suất của FED.

Theo Thùy Vinh
Đầu tư Chứng khoán