Lãi suất huy động USD khó tăng cao

Nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động USD. Đây là giải pháp tình thế của các ngân hàng, khi mà dự báo nhu cầu vay vốn ngoại tệ cuối năm tăng lên trong khi ngân hàng đã cho vay ngoại tệ quá nhiều trong những tháng đầu năm.

Trả lời báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, đợt điều chỉnh tỷ giá này là làm cho giá trị thực của VND và USD cân bằng hơn. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn trước mắt, các ngân hàng vẫn đẩy lãi suất huy động USD lên cao có phần vì e ngại người dân rút USD.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên nhân quan trọng nhất đẩy lãi suất huy động USD lên cao có thể do mức phá giá 2% VND chưa đủ để tạo ra cân bằng cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, những áp lực khác từ thông tư 13, thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt thanh toán vãng lai… là nguyên nhân khiến các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động USD.

Cho vay quá nhiều ngoại tệ

Lãi suất huy động USD khó tăng cao - 1
Việc tăng lãi suất USD sẽ không thể diễn ra mạnh mẽ (Ảnh: minh họa)
 
Nhưng nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất góp phần tạo sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ là do tín dụng USD 6 tháng đầu năm tăng 27%, dẫn đến tình trạng vượt khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động USD để tạo nguồn luân chuyển vốn mới, đảm bảo nhu cầu cho vay và thanh toán ngoại tệ.

Theo uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vượt tổng huy động ngoại tệ khoảng 40.000 tỉ đồng, tương đương 2,05 tỉ USD.

Thông tư 13 được Ngân hàng Nhà nước ban hành và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10/2010 cũng được liệt vào đối tượng gây tăng lãi suất USD trong mấy ngày qua. Theo công văn số 120/HHNN gửi ngân hàng Nhà nước của hiệp hội Ngân hàng và 14 ngân hàng thành viên, nguyên nhân mấu chốt khó hạ lãi suất là do quy định của thông tư 13 về nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác. Điều này khiến nguồn vốn dành để cho vay giảm đi.

“Như vậy, ngoài 20% nguồn vốn huy động không được sử dụng để cho vay theo công thức tính của Ngân hàng Nhà nước, thì còn khoảng 15% tiền gửi không kỳ hạn kể trên không được sử dụng cho vay. Do đó, phần nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán là 20% + 15% = 35% trên tổng nguồn vốn huy động. Tỷ lệ này là quá cao, không hợp lý”, trích văn bản số 120/HHNN.

Lãi suất USD tăng tới đâu?

Dù vậy, việc tăng lãi suất USD sẽ không thể diễn ra mạnh mẽ.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, ngân hàng không thể đẩy lãi suất huy động USD lên cao quá bởi còn phải xét trong tương quan với VND và các đồng ngoại tệ khác.

Việc tăng lãi suất USD không hợp lý có thể dẫn đến việc người dân rút tiền VND mua USD gửi ngân hàng, thì lại tạo ra mất cân đối về tiền VND. Hơn nữa, khi xuất hiện sự căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng chức năng quản lý để kìm hãm đà tăng lãi suất của đồng ngoại tệ này.

Theo ông Kiêm, mức lãi suất cho vay USD hợp lý hiện nay là ở mức 6 – 7%/năm. Để giải quyết vấn đề lãi suất này, rất có thể, một số vấn đề trong thông tư 13 sẽ được sửa đổi.

Theo Minh Huệ
SGTT