Lãi suất huy động giảm mạnh, vốn có “chảy” khỏi nhà băng?
(Dân trí) - Tại buổi họp báo về hạ trần lãi suất huy động và các mức lãi suất chủ chốt vào chiều nay 17/3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, Trong bối cảnh hiện nay, việc gửi tiền đồng vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm các mức lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các mức lãi suất cho vay vẫn giảm chậm so với nhu cầu?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không chủ quan hạ lãi suất được mà phải dựa trên những diễn biến kinh tế vĩ mô, khả năng huy động, điều hành hệ thống trung gian tài chính…
Việc NHNN điều hành theo hướng giảm tiếp 1 bước lãi suất huy động sẽ làm cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay, vì chi phí đầu vào giảm xuống thì các tổ chức tín dụng cũng sẽ có biện pháp điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp mặt bằng lãi suất huy động mới với chi phí giá cả mới.
Vậy thời gian tới, NHNN có tính tới biện pháp áp trần lãi suất cho vay đối với trung và dài hạn không?
Đến nay, NHNN không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét cho vay, xác định các mức cụ thể dựa trên cơ sở xem xét dự án vay, khả năng tài chính, luồng tiền và khả năng thu nợ khách hàng. Lãi suất ngắn hạn cũng liên quan trực tiếp đến lãi suất dài hạn.
Trong xu hướng lãi suất ngắn hạn giảm thì lãi suất trung và dài cũng có xu hướng giảm. Điều này phụ thuộc vào sự ổn định tiền tệ trong thời gian dài.
Việc cắt giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN, theo đánh giá của HSBC là nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng “chúng tôi không nghĩ các điều kiện tín dụng sẽ có thay đổi lớn”. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Giảm lãi suất chỉ là một trong những biện pháp của điều hành chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ cũng chỉ là một trong những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, nó phải tạo ra những cơ sở cho việc khuyến khích tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế, đồng thời loại bỏ nhiều giải pháp đồng bộ khác của các cơ quan quản lý.
Về giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng, thì việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng là cơ sở khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, biện pháp chỉ đạo của NHNN thông qua những giải pháp như gắn kết giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, khách hàng, tạo mối liên kết trong hỗ trợ sản xuất kinh doanh và từ đó tháo gỡ khó khăn cho việc xem xét cho vay trong việc giải ngân… cũng là những biện pháp kích thích tín dụng.
Theo đó, những biện pháp đang tiếp tục thực hiện trong việc xem xét cơ cấu lại nợ, cho vay mới các khoản, hoặc dành những chương trình thí điểm trong một số lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là giải pháp mở rộng tín dụng trong thời gian tới.
Một số ý kiến người dân cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng áp dụng quá cao. Thời gian tới, liệu lãi suất khu vực này có thể giảm không, thưa ông?
Trong cho vay tiêu dùng, có thực tế thường rủi ro cao, do vậy, thông thường người ta phải bù đắp bằng chi phí cao hơn cho nên lãi suất cũng phải cao hơn. Tuy nhiên, để kích thích sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế thì chương trình lãi suất phải luôn phải gắn kết lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Bởi, không chỉ lĩnh vực sản xuất mới đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mà có cả tiêu dùng. Do vậy, chính sách khuyến khích tiêu dùng vẫn được coi là một bộ phận trong chính sách thúc đẩy sản xuất.
Thế nên, một số tổ chức tín dụng nếu giảm các mức lãi suất cho vay tiêu dùng thì cũng phù hợp xu hướng giảm lãi suất cơ bản và phù hợp định hướng, quản trị rủi ro lĩnh vực này.
Một số chuyên gia lo ngại, việc ngân hàng cắt giảm mạnh lãi suất huy động sẽ làm giảm khả năng huy động vốn từ dân cư. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?
Ở đây có mối liên quan trực tiếp. Nếu lãi suất giảm thì khả năng người gửi tiền không gửi vào ngân hàng sẽ tăng lên, lượng tiền huy động có thể giảm xuống. Nhưng theo các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ…, chúng ta tin rằng, mức trần lãi suất tiền gửi hiện vẫn khuyến khích gửi tiền vào ngân hàng. Điều này được thể hiện qua số dư tiền gửi gia tăng trong thời gian qua.
Các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây nhưng không giảm khả năng huy động vốn. Đối với nhà đầu tư có tiền gửi trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc gửi tiền đồng vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả. Xu hướng này cũng có thể được xã hội chấp nhận, nó làm ổn định cơ sở tiền gửi của hệ thống ngân hàng và từ đó dùng nguồn vốn đó để cho vay phát triển sản xuất.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!