Lãi suất hạ, tiền về đâu?

Các ngân hàng đang âm thầm hạ lãi suất huy động mà nguyên nhân chính ứ vốn, tắc đầu ra. Lãi suất hạ, trong kkhi các kênh đầu tư khác đang trầm lắng, dòng tiền sẽ đi đâu.

Ứ tiền
 
Ứ tiền

Thị trường tiền tệ đang có sự thay đổi khi 2 ngày nay, lãi suất huy động VNĐ được một số ngân hàng điều chỉnh giảm tới 1%.

Lãnh đạo một NH cổ phần cho biết, thanh khoản đang khá dồi dào, huy động vốn vẫn tăng tốt nhưng tín dụng của nền kinh tế tăng chưa tương xứng. Vốn huy động vào mà không cho vay ra được buộc các NH phải kéo giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Quan trọng hơn, tiền gửi từ dân cư vào hệ thống NH vẫn tốt khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng không còn hấp dẫn nên NH không quá lo về thanh khoản.

Tại hầu hết các NH, các khoản tiền gửi của khách hàng là cá nhân kỳ hạn dưới 12 tháng vẫn tăng đều theo từng tuần. Tronng tình hình hiện nay, kênh gửi tiền tiết kiệm vẫn đang thu hút được khá nhiều người dân hơn là các kênh bất động sản, chứng khoán thậm chí là vàng… Vì vậy dù hạ lãi suất huy động thì người dân vẫn gửi tiền vào NH là chính.
 
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, huy động vốn tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013. Tính đến ngày 28/2/2013, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn hai lần mức tăng 2 tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đã tăng 0,26% so với mức giảm 1,23% trong tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,28% so với cuối năm 2012, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012.

Thông thường, với nhiều người dân, tiền gửi tiết kiệm là để phòng thân, còn chủ yếu đầu tư qua các kênh khác với kỳ vọng thu lời cao. Với sự bất ổn của 3 kênh đầu tư vàng, bất động sản và chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm còn được xem là để chờ thời. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng phổ biến ở mức khoảng 7,8% - 8%/năm, từ 12 tháng trở lên khoảng 10%-11%/năm. So với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay, gửi tiết kiệm chí ít cũng là giữ an toàn được đồng vốn.
Nhưng nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm thì sự hấp dẫn chắc chắn sẽ không còn. Trong bối cảnh ấy, nhiều khả năng một dòng tiền lớn sắp tới sẽ bung ra thị trường. Nếu không có biện pháp nắn dòng, những đồng tiền này rất dễ chảy vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi giữa cá nhân, vay chéo lẫn nhau theo phương thức thỏa thuận giữa các doanh nghiệp...

Thực tế trên cho thấy rằng đưa dòng tiền đi đúng hướng là vấn đề nóng hiện nay của nền kinh tế. Bền vững hơn cả là khơi thông đồng vốn vào sản xuất - kinh doanh. Có ý kiến đề nghị đã đến lúc thả nổi lãi suất, để thị trường tự điều chỉnh. Như vậy, sẽ giảm áp lực cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Vấn đề sống còn là cơ chế quản lý hữu hiệu, giám sát các khoản vay hiệu quả, để đồng tiền đi liền trách nhiệm.

Lãi suất cho vay có hạ?

Trong khi đó, cũng có ý kiến dự đoán, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng là tín hiệu báo trước đợt điều chỉnh từ phía NHNN. Tuy nhiên, đại diện NHNN từng cho biết, năm nay, “vùng mục tiêu lạm phát” được xác định trong khoảng 6% - 8%, với mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện nay 8% và tham chiếu yếu tố lạm phát trong 2 tháng đầu năm, rõ ràng khả năng để giảm lãi suất tiền gửi nhằm làm cơ sở giảm lãi suất tiền vay là không còn nhiều.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, quan trọng là các NH cần hạ lãi suất cho vay, thu hẹp khoảng chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra. Chẳng hạn, lãi suất huy động hiện nay khoảng 8%/năm, lãi suất đầu ra cần hạ về mức 11%-12%/năm là DN có thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN TPHCM, nhiều DN nhỏ và vừa hiện vẫn phải vay với mức lãi suất trên 15%/năm, thậm chí một số DN vay lãi suất vẫn từ 18%/năm. Chỉ một số ít DN lớn mới tiếp cận được mức lãi suất từ 10%-12%/năm.

Hiệp hội DN TPHCM, cho biết do vốn lưu động của các DN đều trông chờ vào nguồn tín dụng từ NH nên dù phải vay với lãi suất từ 15%-18%/năm, nhiều DN vừa và nhỏ vẫn chấp nhận để có vốn hoạt động cầm cự.
 
Tại buổi họp giữa ngành NH và DN ở Đà Nẵng hôm 20-3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng tình trạng DN khó khăn là do chủ yếu sử dụng vốn vay NH nên khi lãi suất cho vay tăng, DN rất khó xoay trở. Thời gian tới, khả năng ngành NH sẽ hạ lãi suất cho vay xuống thêm 2 - 3 điểm phần trăm, phấn đấu sắp tới sẽ về dưới 13%/năm.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng chủ động cắt giảm lãi suất huy động vốn VND là điều dễ hiểu bởi thanh khoản đang rất dồi dào, các ngân hàng cũng tích cực mua trái phiếu Chính phủ. Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng, giảm lãi suất huy động có thể sẽ tạo được hiệu ứng tốt để lãi suất cho vay có thể giảm thêm.

“Thay vì mức lãi suất 13-16%/năm như hiện nay thì có thể giảm lãi suất cho vay xuống 10% là hợp lý nhất đối với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước hiện nay”, ông Hiếu bày tỏ.
Cho dù một số ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất huy động tiền gửi, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư địa để giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất có thể không còn nhiều

Một chuyên gia từ NHNN phân tích: “Nếu có, lãi suất huy động chỉ có thể giảm thêm 1%, tương ứng mỗi quý giảm 0,25%. Vì vậy, mong muốn giảm lãi suất tiền vay trong 2013 chỉ có thể trông chờ vào các tổ chức tín dụng. NHNN đã tạo ra sự dồi dào thanh khoản và lãi suất “dễ chịu” trên hệ thống. Với những nỗ lực này, NHNN kêu gọi toàn ngành phấn đấu đưa lãi suất tiền gửi về dưới 8%/năm và tiền vay trong khoảng 13%/năm.
Theo Minh Linh
Vietnamnet