1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất giảm sâu chưa từng có, Ngân hàng Nhà nước bơm 30.000 tỷ đồng

An Hạ

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp chưa từng có, giảm 2,5% so với thời điểm năm 2016.

Kể từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Nhiều ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm; trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Theo đó, lãi suất tiền gửi được Vietcombank đồng loạt giảm 0,2% - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Cụ thể, lãi suất ngân hàng niêm yết tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng ở mức 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất được Vietcombank niêm yết ở mức 5,8%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.

Tại BIDV, Vietcombank và Agribank, ngoại trừ kỳ hạn 9 tháng có mức giảm 0,3% thì các kỳ hạn còn lại có mức giảm đồng loạt là 0,2%. Theo đó, biểu lãi suất có thay đổi và dao động trong khoảng từ 3,3%/năm - 5,8%/năm khi gửi tiền tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hiện khoảng trên 10 ngân hàng giảm tiếp lãi suất tiền gửi, bao gồm: ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… Trong đó, HDBank có mức giảm từ 0,15 - 0,45%/năm, tùy kỳ hạn; SHB có mức giảm từ 0,2 - 1%/năm.

Lãi suất giảm sâu chưa từng có, Ngân hàng Nhà nước bơm 30.000 tỷ đồng - 1

Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp chưa từng có (ảnh minh họa)

Theo đó, lãi suất cho vay cũng được ngân hàng giảm sâu. Điển hình tại Vietcombank, từ 12/11, ngân hàng này giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND đối với toàn bộ dư nợ cho vay hiện hữu và cho vay mới, với tổng dư nợ 50.000 tỷ đồng. Đơn vị thụ hưởng là các doanh nghiệp và người dân tại địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Đáng chú ý, theo dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, với lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,16%/năm và 0,42%/năm.

Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dư thừa, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp (dưới 1%/năm trong quý cuối năm).

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, trong tuần từ 9/11 - 13/11, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 30.000 tỷ đồng ra thị trường, thông qua việc mua ngoại tệ.

Động thái trên được diễn ra trong bối cảnh Tổng cục Hải quan công bố thặng dư thương mại tháng 10 ở mức 2,94 tỷ USD, cao hơn so với mức ước tính 2,2 tỷ USD của Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó, tổng thặng dư thương mại 10 tháng được đưa lên mức kỷ lục mới là gần 20 tỷ USD.

Nhóm phân tích đánh giá: Nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, dự trữ ngoại hối hướng gần hơn đến mục tiêu 100 tỷ USD vào cuối 2020 mà Chính phủ đã đưa ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm