Lãi suất cho vay của Việt Nam thế nào so các nước trong khu vực?

An Hạ

(Dân trí) - Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Trước xu hướng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cuối năm.

Trong đó, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ từ 5,9%/năm. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. 

Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm.

Khối ngân hàng tư nhân cũng giảm sâu thêm lãi suất cho vay. Ví dụ như MBBank đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng.

HDBank vừa thông báo đưa lãi suất của gói Swift SME 5.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ còn từ 6,2%/năm, thay vì mức 6,5% trước đó. 

Hay tại VPBank, gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31/12 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình. Hạn mức vay của gói hỗ trợ lên tới 20 tỷ đồng cho mỗi khách hàng.

Lãi suất cho vay của Việt Nam thế nào so các nước trong khu vực? - 1

Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi cho biết: Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng.

Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.

Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%), và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Trong những tháng tới, theo đánh giá của Trung tâm phân tích chứng khoán SSI - SSI Research, lãi suất sẽ giữ ở vùng thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khá khiêm tốn và Ngân hàng Nhà nước vẫn nhấn mạnh việc giảm lãi suất để giúp các ngân hàng thương mại có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn cũng được kéo giảm tương ứng.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm chủ yếu do cầu tín dụng của nền kinh tế yếu khi đại dịch Covid-19 khiến sản xuất kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên điểm tích cực là tín dụng đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng trạng thái thanh khoản tiếp tục được cải thiện trong quý 4 nhưng có thể ảnh hưởng do yếu tố thời vụ.

Tiếp tục xu hướng dự báo của kỳ trước, tại kỳ điều tra này, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay được kỳ vọng giảm trong quý 4 và cả năm 2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý 4.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tương đương có khoảng 150.000-320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý 4, trong đó mức trên 9% là khả thi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm