Lãi suất giảm không như kỳ vọng

Doanh nghiệp vẫn đang chồng chất khó khăn nhưng lãi suất không thể giảm nhanh và sâu hơn nữa do đã sử dụng hết dư địa của công cụ lãi suất.

Đợt giảm lãi suất lần ba trong năm nay (ngày 28/6) không có yếu tố bất ngờ nhưng có điểm mới là được thực hiện đồng loạt đối với lãi suất huy động bằng VNĐ và USD. Lãi biên (chênh lệch lãi suất huy động - cho vay) cũng được thu hẹp về mức 3% và trần lãi suất huy động chỉ được áp dụng với kỳ hạn dưới 6 tháng.

 

Không phải cây đũa thần

 

TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng mức giảm lãi suất 0,5% - 1% lần này là không đáng kể nhưng đã sử dụng hết dư địa của công cụ lãi suất. Vì lạm phát tính theo năm đã ở mức gần 7%, nếu muốn hút tiền gửi phải có lãi suất thực dương. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang chồng chất khó khăn, kỳ vọng lãi suất của doanh nghiệp (DN) là thấp hơn nhưng lãi suất không thể giảm nhanh và sâu nữa.

 

Ngân hàng (NH) Nhà nước đang phải chấp nhận nhiều mâu thuẫn: Muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không được nới lỏng điều kiện cho vay để tránh phát sinh nợ xấu; muốn giảm lãi suất mạnh hơn nhưng phải “nhìn” lạm phát... Và lựa chọn cuối cùng là phương án ít chứa đựng mâu thuẫn nhất. “Chính sách tiền tệ đang đi vào xu hướng ổn định, xây dựng yếu tố bền vững. Việc giảm lãi suất cũng giúp cho kỳ vọng ổn định vĩ mô càng tăng lên” - TS Cao Sỹ Kiêm bình luận.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này đã thích hợp dỡ bỏ trần lãi suất huy động.
Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này đã thích hợp dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

 

Nhưng trong đợt giảm lãi suất lần này vẫn chưa khắc phục được những bất hợp lý trên thị trường tiền tệ mà dễ nhận thấy nhất là việc huy động thấp, cho vay cao. Giám đốc một DN tư nhân không thuộc nhóm DN được ưu tiên lãi suất cho biết giá vốn trên thị trường hiện nay vẫn khá cao.

 

Cụ thể, khối NH cổ phần nhà nước cho vay ở mức khoảng 12%-13%/năm, khối NH cổ phần cho vay cao hơn từ 1%-2% và rất kén chọn khách hàng vì sợ phát sinh nợ xấu. Chẳng hạn, một DN tư nhân được làm thầu phụ cho DN nhà nước có dự án đã được Chính phủ phê duyệt hoặc dự án thuộc nhóm chính sách ưu tiên sẽ tiếp cận vốn rất dễ. Ngược lại, DN “không có mối quan hệ” rất khó được vay vốn.

 

Nên bỏ trần lãi suất?

 

Kỳ vọng về khả năng dỡ bỏ trần lãi suất đã xuất hiện trên thị trường từ cuối năm 2012 nhưng đến nay, NH Nhà nước mới chỉ dỡ bỏ trần lãi suất huy động cho kỳ hạn trên 6 tháng. Theo lý giải của NH Nhà nước, duy trì trần lãi suất vào thời điểm này là để định hướng lãi suất cho các NH thương mại, giúp lãi suất cho vay giảm nhanh hơn.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trì hoãn bỏ trần lãi suất huy động chỉ gây khó thêm cho thị trường. Tại buổi tọa đàm về vướng mắc pháp lý trong hoạt động của các NH tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia cũng rất lo ngại việc áp trần lãi suất huy động đi ngược lại quy luật tất yếu của thị trường vì quy định một đằng, thực tế áp dụng một nẻo gây hậu quả phá chuẩn mực, nguyên tắc, kỷ cương, đạo đức của ngành NH nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung. Sau nhiều năm áp dụng trần lãi suất, không biết có bao nhiêu ngàn tỉ đồng chi vượt trần. Trong khi đó lại không áp trần lãi suất cho vay gây nhiều mâu thuẫn, không bảo đảm công bằng giữa hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và cho vay phi tổ chức tín dụng...

 

Chính vì những mâu thuẫn trên thị trường tiền tệ chưa được giải quyết nên theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đợt điều chỉnh lãi suất này có tác dụng không đáng kể đối với thị trường và cũng không đủ để tạo “cú hích” cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9% trong 6 tháng cuối năm. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành băn khoăn: “Lãi suất huy động giảm có làm giảm chi phí huy động - cho vay của NH thương mại hay không mới là vấn đề cần bàn. NH Nhà nước chỉ quản lý lãi suất đầu vào ở mức 7% nhưng NH thương mại vẫn cho vay trên 12%-13% hoặc không cho vay thì việc điều chỉnh lãi suất huy động không có hiệu quả như kỳ vọng”.

 

 Hiệu quả cho vay lĩnh vực ưu tiên chưa rõ

 

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, định hướng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn chỉ là một giải pháp hành chính, chưa thể đánh giá được tác dụng, hiệu quả đến đâu. Vì hưởng ứng chủ trương của NH Nhà nước, các NH cũng thực hiện cho vay nhưng nếu rủi ro cao, điều kiện cho vay sẽ tăng lên khiến tốc độ giải ngân sẽ rất chậm như chủ trương cho vay đối với DN cá tra vừa qua. “Định hướng các lĩnh vực cho vay sẽ làm thị trường tiền tệ méo mó. Bản thân hệ thống tín dụng sẽ biết cho vay vào đâu ít rủi ro và để thị trường tự điều tiết” - ông Đinh Tuấn Minh lưu ý.

 

Theo Phương Anh

NLĐ