1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất cho vay VND có dấu hiệu giảm

(Dân trí) - Cán bộ tín dụng một số tổ chức tín dụng cho hay, ngân hàng bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ lãi suất cho vay VND, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay VND có dấu hiệu giảm - 1

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được bảo đảm (ảnh: Việt Hưng).
 
Khảo sát thị trường tiền tệ cho thấy, lãi suất cho vay VND đang có dấu hiệu giảm nhẹ. Tại Vietinbank, BIDV và các ngân hàng quốc doanh, lãi suất cho vay VND dao động từ 20 -23%/năm (hạn chế cho vay tiêu dùng); các ngân hàng ngoài quốc doanh từ 23 - 27%/năm; Công ty Tài chính CP Điện lực từ 20 - 22%/năm (hạn chế cho vay tiêu dùng)…

Cán bộ tín dụng một ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay VND của ngân hàng quốc doanh, thương mại cổ phần lớn và công ty tài chính có biểu hiện giảm nhẹ từ 0,3 - 0,5%/năm nhưng lại hạn chế đối với các khoản cho vay tiêu dùng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất. Còn lãi suất cho vay của khối ngân hàng ngoài quốc doanh và ngân hàng cổ phần nhỏ hiện vẫn rất cao, chủ yếu tập trung ở những gói giải ngân cho vay tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô…

Lý giải về xu hướng giảm lãi suất hiện nay, một số ngân hàng cho biết, nguyên do lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh xuống còn 11% đối với kỳ hạn qua đêm và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có những bước chuyển động tích cực.
 
Được biết, từ cuối tháng 4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng trên thị trường mở khối lượng 24.174 tỷ đồng (trong đó tuần từ 29/4 đến 13/5 hút ròng 9.324 tỷ đồng và tuần từ 16 - 20/5 hút ròng 14.850 tỷ đồng). Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thị trường khoảng 20.700 tỷ đồng, bằng việc mua vào 1 tỷ USD trong hai tuần đầu tháng 5.
 
Theo giới chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ mới có thể giải bài toán lãi suất cao và kiềm chế lạm phát. Và trong thời gian này, NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động và cho vay VND để thị trường tự điều tiết, đồng thời kết hợp các công cụ quản lý khác. Ở nước ta, lạm phát không hẳn do yếu tố tiền tệ mà còn do yếu tố phi tiền tệ, do chủ động điều chỉnh giá, do tác động của bất ổn chính trị của Bắc Phi và Trung Đông.
 
Về lý thuyết, trần lãi suất là hợp lý với mức lạm phát hiện nay, lãi suất huy động không nên vượt quá 14%. Còn trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động VND hiện xoay quanh 18%/năm, một số ngân hàng thậm chí còn nâng lên mức 20%/năm đối với những khoản tiền gửi lớn. Và một khi lãi suất đầu vào tăng cao, thì lãi suất đầu ra được ngân hàng nâng lên mức 25 - 27%/năm cũng là điều dễ hiểu. Hiện trên thị trường cũng đã xôn xao những tin đồn cho rằng NHNN chuẩn bị tháo bỏ cơ chế trần lãi suất.
 
Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, cơ quan này chưa đưa ra bất cứ điều chỉnh nào về lãi suất cho vay cũng như huy động đối với VND.
 
“Về lý thuyết, khống chế lãi suất cho vay có vẻ tốt, tưởng như sẽ khiến xã hội yên tâm nhưng hệ lụy của nó rất lớn. Cầu tín dụng đang cao hơn so với cung, nếu áp trần sẽ không khả thi và nhiều rủi ro. Điều tôi sợ nhất là sự biến tướng lách trần, dẫn tới tiêu cực trong cán bộ; hậu quả là không chỉ ngân hàng rủi ro, mà còn gây tổn thương cho cả hệ thống”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói.

Theo công bố từ NHNN, tính đến ngày 23/5/2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 6,2% so với cuối năm 2010. Trong đó, VND tăng 2,59%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9%. Khối lượng tín dụng tăng ròng cho nền kinh tế đạt 135.800 tỷ đồng, sau gần 5 tháng, mức tăng này đạt khoảng 33% so với dự kiến khối lượng tín dụng cả năm nay. Mức tăng này hoàn toàn an toàn và nằm trong tầm kiểm soát.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm