1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lại phản ứng vì… tăng giá xây dựng

(Dân trí) - Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ đầu tư xây dựng cũng như khách hàng. Vấn đề đặt ra là làm sao dung hòa được lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Câu chuyện ở Văn Phú

Vừa qua, báo Dân trí nhận được một số ý kiến của người dân về việc không đồng tình với giá sàn xây dựng tại khu đô thị mới Văn Phú là 3,1 triệu đồng/m2. Người dân cho rằng, số tiền này quá cao so với đơn giá 1,8 triệu đồng mà chủ đầu tư đã ký kết trước đây.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần kinh doanh nhà Quảng Ninh - chủ đầu tư khu đô thị Văn Phú. Ông Tạ Hữu Long, Phó Giám đốc công ty cho biết có 2 nguyên nhân buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá từ 1,8 lên 3,1 triệu đồng/m2.

Thứ nhất do biến động về giá vật liệu xây dựng. Thứ hai, để đảm bảo yêu cầu về quy hoạch và kiến trúc theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây), công ty không chỉ thực hiện xây phần thô mà còn phải hoàn thiện cả mặt đứng chính của căn nhà, phần sân cổng rào và hạ tầng kỹ thuật trước khi bàn giao, do đó sẽ tăng thêm chi phí.

Và việc điều chỉnh giá là phù hợp với hợp đồng mà hai bên đã ký kết, đó là đơn giá xây dựng ban đầu chỉ là tạm tính và sẽ điều chỉnh khi có biến động.

Được biết đơn giá xây dựng ở khu đô thị Văn Khê dao động trong khoảng từ 2,5 - 3,6 triệu đồng/m2 tuỳ thuộc vào từng công trình. Trong khi đó, ở Văn Phú với khoảng gần 600 lô đất dự kiến được xây đều có chung một mức giá là 3,1 triệu đồng/m2.

Một số chủ đầu tư xây dựng khi được hỏi đều có chung nhận định: Việc sử dụng vật liệu xây dựng như trên cũng như ứng dụng giải pháp móng cọc bê tông cốt thép cho công trình thì đơn giá 3,1 triệu đồng/m2 trong thời điểm hiện nay là hợp lý.

"Cùng chia sẻ" là trách nhiệm và quyền lợi

Sự phản ứng của khách hàng khi nhận được thông báo tăng giá xây dựng là điều có thể hiểu. Vì nếu như 1 m2 sàn xây dựng bị tăng 1,3 triệu đồng như ở khu đô thị Văn Phú thì một căn nhà có diện tích tối thiếu khoảng hơn 200m2 sẽ phải ngốn thêm vài trăm triệu.

Khoản phụ trội khiến nhiều người lo lắng bởi không biết xoay sở thế nào nhất là trong thời điểm nền kinh tế đang có nhiều biến động. Hơn nữa, họ cũng không muốn phá vỡ hợp đồng khi đã nộp đủ tiền chuyển nhượng ô đất có hạ tầng.

Về nguyên tắc, khi có sự biến động về giá, các bên phải ngồi lại với nhau để thương thảo và thống nhất việc điều chỉnh, làm sao để bảo đảm được nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Một chủ đầu tư cho biết: Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, nếu chủ đầu tư không được tạo điều kiện như: huy động đủ vốn, đồng thời khách hàng hiểu và "cùng chia sẻ" thì chất lượng công trình bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Chúng ta đang chứng kiến hàng loạt các công trình bị trì hoãn do thiếu vốn, nhiều chủ đầu tư thì "bỏ của chạy lấy người" vì sợ càng làm càng lỗ. Chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực BĐS đã khiến các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là sẽ “đầu hàng” bởi không ít các doanh nghiệp đã và đang tìm cách huy động vốn từ nhiều nguồn như: tìm các đối tác trong và ngoài nước, nguồn lực từ nhân dân... đặc biệt là họ tập trung gấp rút hoàn thành tiến độ các dự án khả thi để huy động nguồn lực sớm.

Nhưng bên cạnh việc đảm bảo tiến độ thì chất lượng là tối quan trọng và việc này thì cần có sự góp sức của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Lan Hương - Nguyễn Hiền