Lại lo cán bộ ngân hàng “làm trò”

Bằng cách này hay cách khác, có thể là tín dụng đen và cũng có thể do chính cán bộ ngân hàng “làm trò”, nhiều khoản vay đến hạn thanh toán sẽ được đáo hạn.

Đáo hạn ngân hàng hay đảo nợ… là cách nói để chỉ nghiệp vụ “biến” một khoản vay nào đó đến hạn thanh toán thành một khoản vay mới. Ở nước ta, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn, từ anh doanh nghiệp đến người nông thôn, hễ ai đi vay đến hạn trả mà không đủ khả năng chi trả thì đều nghĩ đến đáo hạn ngân hàng.

Hoạt động này diễn ra phổ biến là vậy nhưng theo các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đáo hạn ngân hàng là một hành vi bị cấm bởi rõ ràng những khoản vay này có vấn đề về phương án thanh toán nợ.

Như đã biết, trong mấy năm gần đây, vấn đề nợ và nợ xấu của nền kinh tế được nhắc tới như là lực cản phát triển ổn định của nền kinh tế. Thực tế trong 2 năm gần đây cũng cho thấy, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn, một loạt vấn đề bất cập đã được “điểm mặt chỉ tên”. Theo phân tích của giới chuyên gia, bên cạnh sự phát triển của “nóng” đến “ảo” của thị trường bất động sản, chứng khoán… thì có một nguyên nhân không nhỏ đến từ chính hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ cho vay.

Nợ xấu vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng ngân hàng và vẫn đang là “nút thắt” không nhỏ cản trở tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tín dụng vẫn đang gặp khó mà nguyên nhân sâu xa dẫn tới tính trạn này là vì nợ xấu của nền kinh tế hiện vẫn rất cao, “sức khỏe” của doanh nghiệp thì cũng chưa phục hồi. Nghịch lý ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp lại khát vốn, “đói” vốn cũng vì thế mà sinh ra.

Nói vậy để thấy rằng, khả năng chi trả các khoản vay của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp là rất hạn chế, thậm chí là bằng không. Vậy các doanh nghiệp sẽ giải quyết bài toán này như thế nào bởi rõ ràng nếu đến kỳ thanh toán khoản vay mà họ không chi trả được thì ngoài khoản tiền phạt theo hợp đồng, tài sản đảm bảo của họ cũng sẽ phải đứng trước nguy cơ bị phát mãi, thậm chí là bị kiện cáo, khởi tố…

Câu chuyện này cũng được một cán bộ của Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhắc tới khi cho biết, thời gian gần đây, số lượng các vụ kiện cáo mà nguyên đơn là các tổ chức tín dụng, ngân hàng và bị đơn là khách hàng đi vay trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Và theo phân tích của vị này thì những vụ kiện cáo kiểu này chủ yếu là do khách hàng vay tiền từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhưng giờ chậm trả quá lâu hoặc không chi trả mà ra.

Trở lại câu chuyện đáo hạn ngân hàng hay đảo nợ đề cập ở trên để thấy rằng, hiện tượng này sẽ lại “nóng” lên trong thời gian tới. Và theo tìm hiểu của PetroTimes, đáo hạn ngân hàng hay đảo nợ được thực hiện bởi 2 dòng tiền là tín dụng đen và sự “đạo diễn” của cán bộ tín dụng nhà băng.

Ngân hàng vẫn sợ khi cho vay vì sức khỏe doanh nghiệp chưa phục hồi.
Ngân hàng vẫn "sợ" khi cho vay vì "sức khỏe" doanh nghiệp chưa phục hồi.

Tín dụng đen thì khá rõ, chỉ cần doanh nghiệp chịu chơi với mức lãi suất cao ngất ngưởng, rất nhiều “ông trùm” trong giới tín dụng đen sẵn sàng giải ngân cả tỉ, có khi cả chục tỉ đồng để doanh nghiệp mang đi thanh toán khoản vay cho ngân hàng, giải chấp tài sản theo đúng hợp đồng vay vốn đã ký. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lại dùng chính số tài sản vừa rút ra mang đi thế chấp, vay tiền và trả cho tín dụng đen. Chu trình này được triển khai một cách rất “thần tốc” bởi nó gần như được thống nhất gần như hoàn toàn giữa nhà băng và khách hàng.

Tất nhiên, để chu trình này được “trơn tru” thì đã rõ, doanh nghiệp phải “bôi trơn” để nhận được sự “giúp sức” từ phía các cán bộ tín dụng ngân hàng. Câu chuyện này chính là cái “họa” đến từ xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ tín dụng ngân hàng đã được nhắc tới suốt thời gian vừa qua. Với sự giúp sức của những người này, rất nhiều khoản vay đã được làm đẹp, được nâng khống và được duyệt vay với giá trị có khi lớn hơn nhiều lần tài sản thế chấp.

Ở góc độ thứ 2, rất nhiều khoản vay sẽ được đáo hạn hoặc đảo hạn dưới bàn tay “nhào nặn” của cán bộ nhà băng. Chu trình này cũng diễn ra tương tự với cách làm thông qua tín dụng đen nhưng có điều, “ông trùm” ở đây lại là chính các cán bộ tín dụng của ngân hàng. Số tiền được dùng có khi là tiền do cán bộ ngân hàng tự huy động được hoặc cũng có thể là tiền của chính nhà băng.

Qua đó để thấy rằng, dù việc đáo hạn hay đảo hạn nợ được tiến hành bằng cách nào đi chăng nữa thì vai trò của những cán bộ tín dụng tại các ngân hàng là vô cùng quan trọng. Chỉ có điều, trong vài năm trở lại đây, sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng đã vô hình chung góp phần tạo nên khối nợ xấu của nền kinh tế.

Trong một thống kê gần đây của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) về tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho thấy, xu hướng tội phạm liên quan đến đội ngũ cán bộ ngân hàng đang có dấu hiệu gia tăng. Hành vi phạm tội chủ yếu trong các vụ việc này là các cán bộ ngân hàng đã “lờ” đi những điều kiện được vay tối thiếu của khách hàng, tiếp tay cho khách hàng nâng khống tài sản thế chấp… và có khi “vác” tiền của ngân hàng ra ngoài cho vay.

Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và vẫn còn hết sức khó khăn, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đang rất nỗ lực giải quyết bài toán nợ xấu, gỡ “nút thắt” tín dụng cho nền kinh tế… Tuy nhiên như đã nói ở trên, khi mà bản thân các doanh nghiệp cũng đang gặp khó, khả năng thanh toán các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với nhà băng rất hạn nhưng lại không muốn lâm cảnh phá sản, kiện cáo thì đáo hạn ngân hàng hay đảo nợ sẽ có điều kiện “phát triển”.

Thực tế này đang trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với mỗi nhà băng mà của toàn hệ thống ngân hàng, của nền kinh tế, đặc biệt khi mà đạo đức cán bộ ngân hàng hiện nay tại nhiều nơi đang có vấn đề. Nỗ lực giải quyết nợ xấu trong suốt thời gian qua vì thế “đổ sông, đổ bể”!

Theo Thanh Ngọc
Petrotimes