Lạ chuyện doanh nghiệp muốn tự khai quật tàu cổ nhưng chuyên gia khuyên nên chi ngân sách?

(Dân trí) - Nhận thấy có đủ khả năng để khai quật con tàu cổ đắm trong phạm vi đang thi công xây dựng cầu cảng của mình, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã xin được thực hiện khai quật. Tuy nhiên, một số chuyên gia và cá nhân trong các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn đều cho rằng, nên để Nhà nước tự bỏ tiền để khai quật con tàu cổ này.

Như đã thông tin ở bài trước, sau khi Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi gửi phương án khai quật con tàu cổ lên UBND tỉnh thì UBND tỉnh này đã có công văn số 5578 ghi rõ rằng giao cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị chủ trì khai quật con tàu đắm này với hai phương án, một là Nhà nước bỏ kinh phí để tiến hành khai quật, hoặc phương án hai là xã hội hóa.

Bến cảng số 3, bến lớn nhất trong dự án Bến chuyên dùng phục vụ chung khu kinh tế Dung Quất bị buộc tạm dừng thi công đã 6 tháng nay khiến vật liệu bị rỉ sét. (Ảnh: Hồng Vân)
Bến cảng số 3, bến lớn nhất trong dự án Bến chuyên dùng phục vụ chung khu kinh tế Dung Quất bị buộc tạm dừng thi công đã 6 tháng nay khiến vật liệu bị rỉ sét. (Ảnh: Hồng Vân)

Do tự nhận thấy có đủ khả năng tài chính và nguồn nhân lực khi phối hợp cùng đơn vị chuyên môn là Trung tâm khảo cổ học dưới nước, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã xin được khai quật con tàu theo hình thức xã hội hóa để vừa có thể khai quật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, vừa tránh sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hiện đang eo hẹp.

Tuy nhiên, sau hai cuộc họp do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức cùng một cuộc họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phương án khai quật con tàu cổ được cho là từ thế kỉ XV vẫn chưa được kết luận.

Theo ông Thang Văn Hóa, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, việc con tàu này xã hội hóa là tốt cho Nhà nước và tốt cho cả doanh nghiệp vì Nhà nước không cần phải bỏ kinh phí, doanh nghiệp thì không bị kéo dài thời gian đình trệ thi công mà Nhà nước vẫn giữ được trọn vẹn số cổ vật.

“Nếu Nhà nước làm thì sẽ phải quay trở về làm từ đầu là phải lập phương án khảo sát, xin kinh phí, đi khảo sát, sau đó lập phương án khai quật, rồi lại xin kinh phí, rồi mới khai quật. Như vậy có thể phải hơn 1 năm nữa con tàu mới được khai quật, đồng thời đó cũng là thời gian doanh nghiệp phải chịu thiệt hại”, ông Hóa nói.

Điều đáng nói, trong cả 3 cuộc họp nêu trên, một số chuyên gia và cá nhân trong các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn đều cho rằng, nên để Nhà nước tự bỏ tiền để khai quật con tàu cổ này.

Tuy nhiên, với 5 con tàu cổ đã được khai quật trước đó, chính những người dự họp này lại là người kêu gọi và đồng ý xã hội hóa.

Giải thích về điều này, nguồn tin của Dân trí cho biết, chính những chuyên gia, tiến sĩ này là những người hợp tác với Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương để khai quật 5 con tàu đắm kia nên với con tàu cổ mới này, nếu thực hiện phương án xã hội hóa mà Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương không được làm thì các tiến sĩ cũng phản bác toàn bộ.

Trong thời gian chờ đợi kết luận về việc khai quật con tàu cổ, nguyên vật liệu thi công bến cảng số 3 của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi hầu như đã rỉ sét toàn bộ. (Ảnh: Hồng Vân)
Trong thời gian chờ đợi kết luận về việc khai quật con tàu cổ, nguyên vật liệu thi công bến cảng số 3 của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi hầu như đã rỉ sét toàn bộ. (Ảnh: Hồng Vân)

Đáng nói, nguồn tin này tiết lộ rằng, cả 5 con tàu được Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương khai quật trước đây có số lượng hiện vật lúc khảo sát rất lớn nhưng khi hoàn thành khai quật thì lại chẳng đáng là bao.

Đơn cử như con tàu Bình Châu - Quang Ngãi do Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt nam và Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương cùng khai quật hồi năm 2013, trên thực tế khi khảo sát số hiện vật lên tới 40.000 nhưng lúc khai quật chỉ được 4.000 hiện vật.

Thậm chí việc khai quật con tàu cổ này còn không có bảng thống kê hiện vật, không có bản vẽ hiện vật và điều đáng nói mặc dù con tàu đã khai quật 5 năm nhưng Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam và Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương không có báo cáo khai quật.

Lạ đời hơn nữa rằng, nguồn tin này cho hay: “Cách đây 2 tháng, để đối phó và được phép tiếp tục khai quật con tàu cổ mới được tìm thấy ở Quảng Ngãi này, hai đơn vị trên đã phối hợp để làm một báo cáo rất sơ sài trong khi đó, theo quy định, sau một năm khai quật phải có báo cáo khai quật.

Từ đó, dư luận đặt câu hỏi, liệu có dấu hiệu gì bất thường trong câu chuyện này?

“Đó là sự sai lệch quá lớn và có chắc rằng nếu để Công ty Cổ phần ĐTPT Đoàn Ánh Dương khai quật, con tàu này sẽ có số phận khác với 5 con tàu trước?”, nguồn tin dấu tên này cho hay.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong chỉ đạo điều hành khai quật con tàu cổ đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động Dự án Bến chuyên dụng phục vụ chung Khu kinh tế Dung Quất. Kéo theo đó là mức thiệt hại gần 21,5 tỷ đồng cho cả doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng lớn tới uy tín của công ty này với khách hàng.

Ngoài ra, việc con tàu cổ đắm được cho là từ thế kỉ XV đã được phát hiện hơn 6 tháng nay nhưng vẫn chưa được khai quật còn ảnh hưởng rất lớn tới tính an toàn, bảo mật của con tàu, một di sản lớn mang tầm quốc gia.

Hồng Vân

Lạ chuyện doanh nghiệp muốn tự khai quật tàu cổ nhưng chuyên gia khuyên nên chi ngân sách? - 3