1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Kỳ vọng chương trình phục hồi lan tỏa lớn, đảm bảo sàn an sinh

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung kỳ vọng chương trình phục hồi sẽ có sức lan tỏa lớn về kinh tế, tạo đột phá, nền tảng cho sự phát triển, đảm bảo sàn an sinh...

Kỳ vọng chương trình phục hồi lan tỏa lớn, đảm bảo sàn an sinh - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều nay (4/1) (Ảnh: Quốc Chính).

Chiều nay (4/1), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kỳ vọng Chương trình có sức lan tỏa lớn

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng việc Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường để bàn các vấn đề quan trọng là "rất đúng và trúng". Ông kỳ vọng Chương trình sẽ có sức lan tỏa lớn, tạo đột phá, nền tảng cho sự phát triển, đảm bảo sàn an sinh tối thiểu, tạo nền tảng cho sự phục hồi thị trường lao động...

Nêu ý kiến chi tiết hơn về Chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023. "Các nội dung này cơ bản tương đối đồng bộ, quy mô phù hợp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dưới góc độ một thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tán thành với quy mô tổng thể được đề nghị. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn còn băn khoăn khi quy mô dành cho an sinh xã hội còn "hơi ít", chính sách hiện chủ yếu tập trung đầu tư công, các công trình…

Khi giải đáp một số băn khoăn của đại biểu về nội dung liên quan đến phục hồi thị trường lao động, Bộ trưởng Dung nói đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Theo dự thảo Chương trình, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm sẽ là 3.150 tỷ đồng. Nhưng theo Bộ trưởng, nếu tách ra thì thực chất đào tạo nghề, bồi dưỡng lao động chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng. Để phục vụ cho việc phục hồi toàn bộ thị trường lao động thì số tiền này có lớn hay không, ông đặt vấn đề.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến băn khoăn liệu có chuẩn bị, thực hiện kịp không. Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc triển khai sẽ nhanh chóng, đảm bảo được vấn đề tiến độ.

Sở dĩ khẳng định được như vậy vì theo Bộ trưởng, trước đó, Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp với 80 trường chất lượng cao đã được phê duyệt. Chương trình này trước đó dự kiến phê duyệt đầu tư công, sau đó Chính phủ trình vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng số vốn 11.500 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 2, chương trình tạm được gác lại để đưa vào đầu tư công nên tính đến nay vẫn chưa bố trí được.

"Dự án có rồi, chương trình có rồi, giờ chỉ điều chỉnh lựa chọn lại cho chuẩn xác thôi. Sau khi Quốc hội quyết, Chính phủ ban hành thì bắt đầu triển khai ngay", Bộ trưởng thông tin lại với các đại biểu Quốc hội.

Những giải pháp để phục hồi thị trường lao động 

Một nội dung khác cũng được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, theo Bộ trưởng Dung, đó là lực lượng lao động tự do, phi chính thức. Trong quá trình chuẩn bị, Bộ đã đề xuất một số nội dung như hỗ trợ giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ cho người lao động công ăn việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm Nghị quyết 42 của Chính phủ năm ngoái, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ triển khai theo hướng tiếp cận khác. Theo đó, thay vì chủ trương Trung ương trực tiếp hỗ trợ lao động tự do với địa phương thì sẽ để địa phương đảm đương việc này.

Đối tượng lao động tự do rất cơ động. Có thể nay việc này, mai "nhảy" việc khác.  Sang Nghị quyết 68, ban hành trần và sàn tối thiểu, tối đa. Có hiệu quả ngay, trên 14,91 triệu người lao động tự do được hỗ trợ", Bộ trưởng thông tin. Do vậy khi bàn về hỗ trợ cho đối tượng này, Chính phủ thống nhất nên giao cho địa phương. Chính phủ sắp tổ chức Hội nghị của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề này.

Tiếp đến, Bộ trưởng Dung cũng đề cập tới vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề an sinh tối thiểu người lao động, ngoài công ăn việc làm thì họ cần có nhà ở, nhà trọ.

Rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây, ông cho biết sắp tới sẽ chuyển sang hướng chủ yếu là hỗ trợ thông qua doanh nghiệp xây nhà ở, nhà trọ cho người lao động. 

Còn về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Dung cho rằng khi lập khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) thì cần có quy hoạch nhà ở cho công nhân, đảm bảo mức an sinh tối thiểu cho người lao động, tránh để tình trạng như vừa qua.

Thông tin thêm về hiệu quả của 2 gói chính sách an sinh xã hội lớn thời gian qua - Nghị quyết 68 và sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Bộ trưởng Dung cho biết 2 chương trình này đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng. Số lượng người lao động được thụ hưởng là trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Tiến độ giải ngân đều đảm bảo đạt và vượt. Đây là thành công của chúng ta trong việc hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Trước đó, thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng chương trình phục hồi cần có sự quan tâm rõ hơn, mạnh hơn đối với các chính sách hỗ trợ người lao động. Đối tượng thụ hưởng không chỉ là những lao động chính thức mà theo bà Thủy, cần quan tâm hơn tới khu vực phi chính thức - những người chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch.

Còn tại báo cáo thẩm tra, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công tại các địa phương. Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường cơ chế, chính sách liên quan đến người di cư, đặc biệt là các điều kiện thiết yếu.

Phát biểu kết luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, mong muốn lớn nhất ở gói phục hồi là sự cân đối giữa việc phát triển kinh tế và xã hội. Việc tập trung cho kinh tế là đúng nhưng các vấn đề xã hội thì theo Chủ tịch, cần tiếp tục rà soát. Đối với lao động khu vực phi chính thức cần cách làm nào cũng cần tính thêm; khôi phục lại thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường này để nâng cao chất lượng lao động.