Kỳ tích trên công trường thủy điện Sơn La
(Dân trí) - Dự kiến cuối năm 2010, công trường Thủy điện Sơn La sẽ tiến hành phát điện tổ máy số 1, sớm hơn kế hoạch 2 năm, làm lợi hàng tỷ USD mỗi năm cho đất nước. Sự nỗ lực của những con người nơi đây đã tạo ra một kỳ tích.
Lợi nửa tỷ USD mỗi năm cho đất nước
Dưới cái nắng nóng hầm hập của buổi trưa mùa hè tháng 6, chúng tôi có mặt trên đập bê tông đầm lăn tại công trường thủy điện Sơn La, nơi có độ cao gần 200m so với mực nước biển. Dù vẫn biết làm việc ở công trường là không hề đơn giản nhưng có lên đây tôi mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường làm việc.
Đầu đội nắng, chân dẫm bê tông nhão, người thì ẩm ướt bởi hệ thống phun nước lên bề mặt bê tông khiến cho bất cứ ai đứng ở đây đều có cảm giác rất khó chịu, dù nóng mà vẫn thấy ẩm ướt. Trong khi đó, các công nhân liên tục phải làm việc suốt 8 tiếng trong một ngày dưới môi trường như vậy.
Công nhân đang làm việc trong môi trường đầu đội nắng, chân dẫm bê tông nhão
Anh Đinh Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 9.08 cho biết: Không chỉ làm việc trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, hàng nghìn công nhân trên công trường đã phải cùng nỗ lực để bảo đảm giữ gìn nhiệt độ bê tông lúc nào cũng đạt ở mức 20 độ C, từ việc bê tông được sản xuất liên tục suốt 24/24h, đưa lên băng tải chuyển lên mặt đập cho đến máy gạt, máy ủi và máy đầm làm việc… Với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì điều này là không hề đơn giản.
Từ thời điểm này cho tới khi tổ máy số 1 phát điện vào cuối tháng 12/2010 chỉ còn khoảng 6 tháng nữa. Các đơn vị thi công trên công trường thủy điện Sơn La - dự án lớn nhất Đông Nam Á có công suất 2.400 MW đang tập trung hết sức lực cho việc hoàn thành các phần việc của mình.
Đánh giá về tiến độ thi công nhà máy Thủy điện Sơn La, Kỹ sư Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, kiêm Giám đốc Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Sơn La cho biết:
“Sau khi đóng cống dẫn dòng để chính thức tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La, đến nay đập bê tông đầm lăn đã thực hiện được khoảng 90%, bê tông thường đã thực hiện được trên 85% khối lượng; Đối với công tác lắp đặt thiết bị, hiện nay đã thực hiện được 43.000 tấn trên tổng số 73.000 tấn thiết bị. Nói chung, tiến độ hiện nay đang bám sát kế hoạch vạch ra ban đầu”.
Với tốc độ xây dựng khẩn trương như vậy, lãnh đạo tập đoàn khẳng định: dự kiến cuối năm 2010 công trường Sơn La sẽ tiến hành phát điện tổ máy số 1, sớm hơn kế hoạch 2 năm… làm lợi khoảng 500 triệu USD/năm cho đất nước.
Công trình hoàn thành sớm trước 2 năm sẽ làm lợi cả tỷ USD
Không chỉ là công nghệ
Công trình thuỷ điện Sơn La do Tập đoàn Sông Đà làm tổng thầu xây lắp, đơn vị chủ công chính là Công ty cổ phần Sông Đà 5 và Công ty Sông Đà 9.08. Ông Trần Văn Huyên, Tổng Giám đốc Sông Đà 5 cho biết: Sở dĩ có thể tạo được kỳ tích này là do áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (hay còn gọi là RCC) trong việc đắp đổ thân đập.
Nhưng thật không đơn giản chút nào, bởi đầu tư gần 400 tỷ đồng mua một dàn máy thiết bị để áp dụng công nghệ mới cho một công trình trong khi công tác lắp ráp, vận hành đang còn mới mẻ đối với đội ngũ thợ.
Ông Vũ Khắc Tiệp - Chủ tịch HĐQT Sông Đà 5 chia sẻ: Để vận hành công nghệ mới này, Sông Đà 5 đã dùng toàn bộ kỹ sư chứ không phải là dùng thợ bậc 3, bậc 4 như theo quy định của nhà nước.
Điều này khiến doanh nghiệp phải thêm một phần kinh phí để trả lương cho 120 kỹ sư nhưng bù lại họ được tiếp quản công nghệ mới, có sức trẻ và khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát nên vận hành rất tốt.
Khi đã hội tụ đủ nhân lực, vật lực, kết quả vận hành công nghệ bê tông đầm lăn vượt trên cả sự mong đợi. Tháng cao nhất sản lượng bê tông đầm lăn của dự án là 207.000 m3, nếu so với một tòa nhà 35 tầng ở Hà Nội chỉ có 42.000 m3 thì có thể tưởng tượng sản lượng này lớn tới mức nào.
Điều quan trọng hiện nay là tập trung vào công tác lắp máy
Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc Chi nhánh Sơn La thuộc Công ty CP Lilama 10 - đơn vị đang phụ trách việc lắp máy cho biết: “Lilama 10 đang kiểm soát được tiến độ lắp thiết bị cơ điện chính. Dự kiến cuối tháng 8/2010 có thể lắp được Roto máy phát tổ máy số 1, cuối tháng 11 có thể khởi động được tổ máy”.
Con đường để hoàn thành dự án thủy điện Sơn La vẫn còn nhiều thử thách. Nhưng với sự quyết tâm cao độ không chỉ của Chính phủ, của chủ đầu tư mà của cả tập thể cán bộ công nhân tham gia, chúng ta có đủ niềm tin cho một nhà máy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á được hoàn thành sớm, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Bài và ảnh: Lan Hương