Kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, trả lời cho câu hỏi này không dễ. Nhưng chắc chắn vị thế của Thung lũng Silicon sẽ không dễ bị lung lay.
Theo The Guardian, sa thải nhân sự ồ ạt ở Snapchat, định giá giảm mạnh ở Meta và Apple cùng với sự đóng băng tuyển dụng ở nhiều ông lớn công nghệ khác đang làm dấy nghi vấn: Kỷ nguyên vàng của Thung lũng Silicon sắp kết thúc?
Theo các chuyên gia, trả lời cho câu hỏi này không dễ. Thời gian qua, ngành công nghệ đã có sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong những năm gần đây khi đại dịch Covid-19 buộc mọi thứ phải hoạt động trực tuyến khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ tăng mạnh. Tuy nhiên, sự bùng nổ đó, đi kèm với mức lương cao và những đặc quyền làm việc, dường như bắt đầu chậm lại.
"Không có bữa tiệc nào là mãi mãi", bà Margaret O'Mara, giáo sư tại Đại học Washington, nói và cho rằng: "Chúng ta chỉ đang trở lại bình thường sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ".
Theo bà, những xu hướng đó đang trở nên trầm trọng hơn khi cuộc suy thoái toàn cầu lan rộng hơn, mà thế giới công nghệ không thể tránh khỏi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và được dự báo sẽ còn nhiều lần tăng nữa.
Môi trường lãi suất thấp trước đây đã làm lĩnh vực công nghệ bùng nổ, giúp tạo ra một loạt "kỳ lân", những công ty được định giá trên 1 tỷ USD. Trong đó đáng chú ý, Airbnb và Uber lần lượt được định giá 47 tỷ USD và 82 tỷ USD trong các lần IPO. Nhưng khi lãi suất thay đổi, bà O'Mara cho rằng, dòng tiền sẽ ít hơn và nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn.
"Một số nhà đầu tư vẫn có tiền mặt, nhưng trong thời kỳ phá sản như hiện nay, dòng tiền giao dịch cũng sẽ nguội dần", bà nói.
Sự tăng trưởng chóng mặt của ngành công nghệ cũng dần hạ nhiệt khi hàng loạt vụ việc không hay xảy ra, từ thất bại trong đợt IPO của WeWork đến vụ bê bối của Theranos. Những câu chuyện như vậy, cùng với việc ngành công nghệ bị giám sát chặt chẽ hơn, bao gồm cả những tiết lộ của người tố cáo Facebook và những chỉ trích công khai của các giám đốc điều hành công nghệ trước Quốc hội Mỹ, đã làm hình ảnh Thung lũng Silicon bị lung lay. Ngay cả một số người ủng hộ nhất như cựu Tổng thống Barack Obama cũng đang xem xét lại.
Nhận thức của công chúng về công nghệ nói chung cũng đã thay đổi. 68% người Mỹ cho rằng các công ty công nghệ đang có quá nhiều quyền lực và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Con số này tăng so với mức 51% năm 2018.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vị trí địa lý của Thung lũng Silicon cũng đang thay đổi. Nằm ở khu vực phía nam San Francisco, trong một thế kỷ qua, Thung lũng Silicon đã trở thành trung tâm của sự đổi mới. Nơi đây bắt đầu trở thành trung tâm công nghệ khi các hoạt động quân sự Mỹ thiết lập các cơ sở nghiên cứu từ những năm 1930. Sau đó, xu hướng này tiếp tục được diễn ra trong lĩnh vực tư nhân.
Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghệ đang mở rộng ra khỏi khu vực Bay Area của California và xu hướng này đang được đẩy nhanh trong thời kỳ đại dịch. Năm 2021, hãng sản xuất xe điện Tesla đã chuyển trụ sở tới Austin (Texas). Sau đó, một loạt công ty công nghệ khác như Oracle, Hewlett-Packard cũng đã chuyển trụ sở khỏi Thung lũng Silicon.
Một số công ty cũng đã ngừng tuyển dụng nhân sự. Điều đó, theo ông Brent Williams của công ty tuyển dụng Michael Page, phản ánh những gì mà ngành công nghiệp gọi là "mùa đông của vốn đầu tư".
"Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi. Nó khiến cho việc cạnh tranh để tuyển dụng nhân tài trở nên khốc liệt hơn bởi họ không chỉ cạnh tranh với những người ở khu vực Bay Area mà còn ở trên toàn nước Mỹ".
Xu hướng này, cùng với sự gia tăng chính sách làm việc tại nhà, sẽ gây sốc cho các doanh nghiệp. Bởi trước thời kỳ đại dịch họ đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng văn phòng và cung cấp các chế độ phúc lợi cho nhân viên đến làm việc.
Tuy nhiên, theo giáo sư kinh tế Stanford Nicholas A Bloom, bất chấp những hạn chế ngày càng tăng, vị thế của Thung lũng Silicon vẫn là rất vững chắc. Nó đã trải qua nhiều chu kỳ, bao gồm cả đợt suy thoái năm 2001, 2008 và lần nào cũng đều phục hồi trở lại.
"Mặc dù một số công ty có thể chuyển ra khỏi đây vì chính sách làm việc tại nhà và toàn cầu hóa, nhưng Thung lũng Silicon vẫn là nơi mà không có khu vực nào có thể sánh được trong lĩnh vực này", ông nói.
Bà O'Mara cũng cho rằng vị thế của Thung lũng Silicon sẽ không dễ bị lung lay.
"Vùng Vịnh và San Francisco có sức hút bền bỉ và khác biệt mà không nơi nào có được. Đó là lý do mà mọi người vẫn muốn đến đó sống", bà nói và cho rằng điều này vẫn đúng ngay cả khi California đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà đất khiến nhiều người đổ xô đến các bang có giá nhà rẻ hơn.
Theo bà, kỷ nguyên của Thung lũng Silicon có thể kết thúc, nhưng chắc chắn không phải là sự kết thúc của Thung lũng Silicon.