Kremlin cần làm gì để hồi phục nền kinh tế Nga?
Đó là câu hỏi đang được quan tâm hàng đầu ở thời điểm hiện tại, khi có liên quan trực tiếp đến tình hình ở Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung.
Đánh giá chính xác hiện trạng của nền kinh tế Nga và những giải pháp để hồi phục vì thế không phải chỉ là vấn đề của tổng thống Nga Putin và các cộng sự, mà còn là của cả thế giới phương Tây.
Nền kinh tế Nga đã thoát khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng, đó là điều không cần bàn cãi ở thời điểm hiện tại, nhưng nó không đồng nghĩa với việc xứ sở bạch dương có thể ngay lập tức quay trở lại thời kỳ tăng trưởng trước khi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Và khi mà giá dầu vẫn chưa hồi phục đủ mạnh và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây vẫn chưa được dỡ bỏ, thì nước Nga chỉ có thể dựa vào chính bản thân để hồi phục nền kinh tế.
Và khi mà giá dầu vẫn đang ở mức khá khiêm tốn là gần 60 USD/thùng còn các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU vẫn chưa được dỡ bỏ, thì điều duy nhất Nga có thể làm ở thời điểm hiện tại là kích thích tăng trưởng nền kinh tế quốc nội, vốn đã gặp phải nhiều khó khăn trong giai đoạn mà Nga phải đối phó với nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây vài tháng.
Và điển hình cho điều này là việc ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên 17%, một mức được giới phân tích đánh giá là khá cao, để có thể ngăn chặn lạm phát và đà mất giá của đồng Rup khi đó đang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới kinh tế Nga. Chính phủ Nga đã thành công với lựa chọn cứng rắn và kiên quyết này khi lạm phát và đà mất giá của đồng Rup đã được chặn đứng, nhưng nó cũng để lại hậu quả là luồng luân chuyển tài chính trong nền kinh tế Nga bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết.
Lãi suất quá cao khiến cho các doanh nghiệp Nga khó có thể vay vốn và thậm chí còn đang gặp vấn đề với các khoản nợ ngân hàng của mình khi mà lãi suất cho vay giờ đây đã được nâng lên quá cao. Điện Kremlin đã phải trả một cái giá khá cao để đổi lấy việc thoát khỏi nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế, và giờ đây khi mà nguy cơ này đã đi qua, thì điều mà tổng thống Vladimir Putin và các cộng sự cần làm là nới lỏng bớt mức lãi suất để nền kinh tế quốc nội hồi phục.
Theo đó, vào thứ Sáu vừa qua, thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina đã tuyên bố sẽ cắt giảm thêm 1% để đưa lãi suất chính thức về mức 14%. Đây là lần cắt giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng ít tháng gần đây khi mà trước đó ngân hàng trung ương Nga đã giảm lãi suất từ mức 17% được duy trì trong suốt giai đoạn chống khủng hoảng xuống còn 15%.
Việc cắt giảm lãi suất lần thứ nhất từ 17% xuống 15% cách đây hơn một tháng là dấu hiệu của việc Nga đã thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng đủ để có thể hạ lãi suất mà không bị ảnh hưởng, còn lần giảm lãi suất lần thứ hai này được xem như điểm khởi đầu của nỗ lực hồi phục nền kinh tế quốc nội.
Theo đánh giá của giới phân tích, nền kinh tế Nga sẽ cần thêm vài lần hạ lãi suất nữa để đưa lãi suất về ít nhất là gần sát mốc 10,5% như giai đoạn trước khi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây diễn ra. Và động thái giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 2 tháng của thống đốc Elvira Nabiullina vì thế đang mang một ý nghĩa rất lớn, đó là ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất nếu như điều này là cần thiết để đưa nền kinh tế hồi phục.
Sở dĩ nữ thống đốc được mệnh danh là “Người đàn bà thép” này không lập tức hạ lãi suất xuống gần mức 10,5% như sự kỳ vọng của các nhà phân tích, là vì việc hạ dần lãi suất ở thời điểm hiện tại là phù hợp với tình trạng hiện nay của kinh tế Nga. Một khi hạ lãi suất xuống quá gấp, sẽ chỉ có các doanh nghiệp Nga gặp bất lợi khi các món nợ nước ngoài của họ bằng USD sẽ tăng lên và điều này sẽ buộc chính phủ và hệ thống ngân hàng phải bơm thêm tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Đó là chưa kể việc hạ lãi suất xuống quá gấp có thể gây ra những sự xáo trộn cho nền kinh tế vốn đã trải qua giai đoạn lãi suất cao trong một thời gian tương đối dài. Cách hay nhất vì thế phải là hạ lãi suất một cách cẩn thận và được tính toán kỹ lưỡng, nó sẽ giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp hồi phục một cách chắc chắn để có đủ tiềm lực về tài chính để thích ứng với một cú giảm lãi suất tiếp theo.
Một thuận lợi dành cho Nga là việc các tập đoàn và doanh nghiệp phương Tây rời khỏi Nga do các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến cho nước này trở thành một thị trường béo bở mời gọi các doanh nghiệp trên thế giới đến lấp chỗ trống mà phương Tây đã để lại. Các doanh nghiệp ở Trung Quốc hay các nước Trung Đông như UAE đang là những người nhanh chân nhất trong việc tiếp cận miếng bánh thị trường Nga mà các doanh nghiệp phương Tây đã để lại. Dù về quy mô đầu tư nó vẫn chưa thể so sánh với các tập đoàn hàng đầu của EU nhưng đây vẫn là một đòn bẩy quan trọng để giúp kinh tế Nga hồi phục.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng hiện nay có thể là u ám nhưng cũng có thể là một cơ hội với kinh tế Nga, về một khía cạnh nhất định đây có thể là thời cơ để các doanh nghiệp Nga phát triển mà ít gặp phải sự cạnh tranh của các tập đoàn hùng mạnh phương Tây, nó cũng là thời cơ để chính phủ Nga tái cấu trúc lại nền kinh tế nếu như muốn thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nghiệp tư nhân Nga vốn là thành phần kinh tế năng động nhất ở xứ sở bạch dương trong những năm qua.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/ Bloomberg