Kinh tế Việt - Trung nhìn từ chính sách "cấm biên"

Những động thái gần đây nhắc dư luận nhớ đến việc cơ quan quản lý phía Trung Quốc áp đặt, hạn chế lên mặt hàng chuối và một số hàng nông sản khác mà Philipines xuất khẩu sang nước này sau sự kiện tranh chấp ở bãi cạn Scarborought của Philippines.

Trong tuần qua, một câu chuyện nổi lên trong lĩnh vực kinh tế là việc xuất khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu gặp khó, đình trệ.

Thông tin từ các Sở công thương các tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang…đều cho thấy có sự hạn chế, suy giảm rõ rệt về lượng hàng, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc mà không phải do nguyên nhân từ phía Việt Nam.

Kinh tế Việt - Trung nhìn từ chính sách "cấm biên" - 1

Những con số thống kê mới nhất đều chứng minh rõ xu hướng này. Tại Móng Cái (Quảng Ninh), tính đến nay, khu vực cửa khẩu này còn tồn hơn 3.800 container hàng hóa các loại, trên 1.300 container hàng để lâu ngày phải cắm điện bảo quản chờ xuất. Ở Lạng Sơn, như tại cửa khẩu Tân Thanh nếu như đầu năm bình quân mỗi ngày có khoảng 300-400 xe vận chuyển hàng hóa qua thì đến thời điểm này, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, chỉ còn khoảng 100-200 xe/ngày. Khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng vậy, thông tin cho biết từ tháng 6 đến nay, hoạt động xuất khẩu đã giảm đáng kể…

Một ví dụ đáng suy nghĩ nhất là mới đây, một đoàn xe 6 chiếc chở 8 lô hàng của công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp Hà Thành của Việt Nam chở hàng sang cho một đối tác Trung Quốc tại Pò Chài (Bằng Tường-Trung Quốc) đã bị Hải quan Trung Quốc giữ lại toàn bộ mà không nêu rõ lý do. Trong khi đó, theo kiểm tra hồ sơ của Cục Hải quan Lạng Sơn thì 8 lô hàng này đầy đủ giấy tờ, hóa đơn và không có gì vi phạm.

Điều này dấy lên mối lo, việc hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể không chỉ nhằm vào hàng tiểu ngạch mà cả ở hàng hóa xuất khẩu chính ngạch.

Nguyên nhân chính hiện được cơ quan quản lý Việt Nam xác định là do phía Trung Quốc tăng cường giám sát, chống buôn lậu, tăng cường kiểm tra, kiểm dịch…mà theo ngôn ngữ của các doanh nghiệp thường xuyên xuất, nhập khẩu hàng sang Trung Quốc gọi là “cấm biên”. Thường mỗi năm phía Trung Quốc có 1-2 đợt tăng cường, mỗi đợt 1-2 tháng nhưng năm nay, đợt “tăng cường” này đã kéo dài bất thường từ tháng 4 đến nay và dự kiến sẽ còn kéo dài thêm vài tháng nữa.

Những động thái này cũng nhắc dư luận nhớ đến việc cơ quan quản lý phía Trung Quốc áp đặt, hạn chế lên mặt hàng chuối và một số hàng nông sản khác mà Philipines xuất khẩu sang nước này sau sự kiện tranh chấp ở bãi cạn Scarborought của Philippines. Trong những trường hợp này, khúc mắc trong quan hệ ngoại giao đã dẫn tới những cản trở trong quan hệ thương mại, làm ăn.

Nhìn trên tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại nhiều mặt hai nước, Việt Nam là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc, thường xuyên chiếm khoảng 60% tổng nhập siêu của Việt Nam đối với toàn thế giới.

Kinh tế Việt - Trung nhìn từ chính sách "cấm biên" - 2

Theo các con số thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, từ chỗ xuất siêu sang Trung Quốc 135 triệu USD năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu chịu thâm hụt với Trung Quốc vào năm 2001, và mức thâm hụt này đã tăng liên tục, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay. Năm 2007, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là 9,145 tỷ USD. Năm 2008 tăng vọt lên con số 11,16 tỷ USD. Năm 2009, con số này đã tăng tiếp lên 11,532 tỷ USD. Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc đã nâng lên mức báo động đỏ: ước 12,6 tỷ USD, bằng 105% mức nhập siêu cả năm (12 tỷ USD) của Việt Nam. Năm 2011, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên đến 13,5 tỷ USD.

7 tháng đầu năm nay, theo con số của Bộ Công thương đưa ra, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 8 tỷ USD.

Về cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước, Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc sản phẩm thô hoặc sơ chế khai thác từ các quặng mỏ. Năm 2007, riêng dầu thô, than đá đã chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nếu kể thêm cao su, gỗ, rau quả, trà, cà phê và những sản phẩm thô sơ khác, tỉ lệ đó lên tới 80%. Hàng công nghiệp chỉ chiếm độ 20%.

Hợp tác kinh tế với Trung Quốc là lẽ tự nhiên, do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về cơ cấu kinh tế, những sự thiếu hụt hay dư thừa về một số chủng loại nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa ở cả 2 nước cần có giao thương, trao đổi để bù đắp và cũng đã đem đến những hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, đã có những cảnh báo cần sớm có điều chỉnh để tránh một sự phụ thuộc, mất cân bằng trong quan hệ kinh tế với quốc gia này. Bởi sự bất tương xứng trong quan hệ thương mại hai bên, mà GS Trần Văn Thọ, từ ĐH Waseda, Nhật Bản đã mô tả như đặc trưng của quan hệ kinh tế giữa một nước kém phát triển và một nước phát triển đi liền với rất nhiều rủi ro.

Nhìn vào nhiều quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh khác, đều có những cơ sở để những người có trách nhiệm phải xem lại, điều chỉnh các quan hệ đó để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Việt Nam. Bài học từ ngành điện đã khó rõ ràng.
Tuy đã khá muộn, nhưng không thể chậm trễ hơn nữa, Việt Nam cần đẩy nhanh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tiến lên giai đoạn phân công hàng ngang trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam phải đủ sức cạnh tranh để thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và thâm nhập được vào thị truờng rộng lớn này. Có như vậy, Việt Nam mới cải thiện được cán cân mậu dịch và tránh được những rủi ro của mối quan hệ kinh tế bất đối xứng hiện nay.

Điều này đòi hỏi sự xem xét toàn diện, kĩ lưỡng của tất cả các bộ ngành liên quan, với các chính sách điều chỉnh phù hợp, để thương mại Việt Nam ngang hàng với đối tác láng giềng khổng lồ.

Theo Mạnh Quân
Tuần Việt Nam