Kinh tế Việt Nam đã “thoát khỏi điểm nóng”
(Dân trí) - Bản báo báo của HSBC chỉ ra rằng, tăng trưởng tại Việt Nam đã giảm đáng kể dưới mức mong đợi khi nền kinh tế cố gắng thoát khỏi các khoản nợ xấu và những hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, sự suy giảm đó là điều cần thiết…
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2012 với tiêu đề "Điều tốt lành sẽ đền đáp cho những ai biết kiên nhẫn chờ đợi". Đặc biệt, HSBC dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức đáng kể 5,1% trong năm 2012.
Dòng tiền đang quay lại thị trường.
Nhu cầu nội địa phục hồi
Bản báo báo của HSBC chỉ ra rằng, tăng trưởng tại Việt Nam đã giảm đáng kể dưới mức mong đợi khi nền kinh tế cố gắng thoát khỏi các khoản nợ xấu và những hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả.
Tuy nhiên, “sự suy giảm là điều cần thiết để giải quyết những vấn đề đã khởi nguồn và tồn tại từ nhiều năm nay”, báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo số liệu từ bản báo cáo, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) của tháng 8 vẫn duy trì dưới mức trung bình 50 điểm nhưng tình hình xấu có phần giảm nhẹ hơn. Ngay cả khi giá dầu nội địa tăng lên thì lạm phát đã giảm từ 5,5% trong tháng 7 còn 5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả hoạt động xuất khẩu mặc dù chậm hơn những năm trước nhưng vẫn duy trì ở mức hai con số. Dự trữ ngoại hối tăng lên và tiền đồng Việt Nam đã ổn định góp phần củng cố uy tín của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của tháng 8 giảm từ mức 5,5% trong tháng 7 xuống còn 5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, theo đánh giá của HSBC, mức giảm sút này một phần là nhờ vào tác động rõ ràng từ chi phí giá cao trong năm vừa qua. Nếu tính yếu tố điều chỉnh mùa vụ so với tháng trước thì chỉ số lạm phát toàn phần tăng từ mức 0,2% của tháng 7 lên 0,9% trong tháng này. Mức tăng này song hành cùng với sự tăng nhẹ của chỉ số giá cả đầu vào của PMI. Lạm phát cơ bản loại bỏ yếu tố giá cả thực phẩm và năng lượng tăng từ mức 8,1% của tháng 7 lên 8,8% trong tháng 8 nếu so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự ổn định chỉ số PMI cùng với những sự sụt giảm gần đây đã khẳng định nhu cầu nội địa có sự phục hồi. Chúng tôi hy vọng tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi nhẹ từ nay cho đến cuối năm, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng thẩm thấu toàn nền kinh tế”, báo cáo cho hay.
Mặc dù các điều kiện bên ngoài vẫn còn yếu, nhưng nhu cầu cho hàng hóa Việt Nam hiện đang phục hồi. Hoạt động nhập khẩu cải thiện trong tháng 8 cho thấy tình trạng xuất khẩu đang từng bước phục hồi.
Theo đánh giá của HSBC, điểm cốt yếu của sự phục hồi kết quả hoạt động nhập khẩu của tháng 8 là sự tăng nhẹ các sản phẩm chủ lực như nguyên vật liệu may mặc, sản phẩm điện tử và thép - những thành phần chủ yếu góp phần tăng thu xuất khẩu. Trong khi nhu cầu nội địa còn yếu thì nhu cầu nước ngoài đối với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam dường như đang dần phục hồi. Hoạt động xuất khẩu có kết quả khả quan là bằng chứng chứng tỏ nền kinh tế đã có phần sáng sủa.
Lạc quan vào tương lai
Theo HSBC, điều quan trọng nhất là “khép lại quá khứ và tập trung vào những công cụ sẵn có để các nhà làm chính sách có thể bình ổn nền kinh tế cũng như gia tăng năng suất”. NHNN đã thể hiện cam kết xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam bằng việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 và thực thi quá trình cải cách ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, những động thái ứng phó với tình trạng nợ xấu vẫn còn chưa rõ khi NHNN vẫn đang thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt. Yêu cầu gần đây gây áp lực cho các ngân hàng là sắp xếp bảng cân đối kế toán và thể hiện sự minh bạch với tỷ lệ nợ xấu.
Những động thái đó đã dự báo được những hoạt động cải cách sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Thêm nữa, sự cẩn trọng của NHNN khi bơm dòng vốn tín dụng giá rẻ vào thị trường để thúc đẩy tăng trưởng như đã từng thực hiện trước đây đã góp phần nâng cao tín nhiệm của cơ quan này. Số tiền được bơm thông qua thị trường mở đã tương đối chậm lại, mặc dù gần đây có sự tăng nhẹ xoa dịu tình hình thanh khoản.
Ngoài ra, HSBC cũng chỉ ra rằng, sự trì trệ đến từ sự hoạt động thiếu hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước và sự sụt giảm doanh số kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh khi NHNN tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Việc đầu tư thái quá vào bất động sản và các khối kinh doanh không thể mang lại lợi nhuận cần được điều chỉnh và ngay khi những nhà quản lý chính sách có những động thái liên quan tích cực càng sớm chừng nào thì bộ máy nền kinh tế sẽ chạy nhanh chừng đó. Và khi đó khối tư nhân với lực kéo mạnh sẽ có thêm nhiều động lực phát triển.
Báo cáo đánh giá, NHNN đã thể hiện cam kết xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam bằng việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 và thực thi quá trình cải cách ngành ngân hàng.
Chính vì vậy, “chúng tôi lạc quan rằng Chính phủ Việt Nam sẽ làm những điều tốt nhất cho nền kinh tế. Những nhà làm chính sách đã chứng tỏ trong quá khứ rằng họ sẵn lòng đối phó với những khó khăn khi cần thiết. Điều này đòi hỏi sự nhẫn nại để cải cách nhằm xử lý nợ xấu và xây dựng một hệ thống kinh tế có thể đạt được hiệu quả hơn”, nhóm chuyên gia HSBC nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền