1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà băng ngoại lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Chuyên gia ANZ cho rằng, rủi ro không nằm ở "room" cấp thêm mà nằm ở việc quản trị vốn của các ngân hàng. Trên thực tế, từ đầu năm, NHNN đã cho một số ngân hàng được tăng trưởng tín dụng vượt trần 17%.

Nới lỏng trong thời điểm hiện tại là cần thiết

Trao đổi với báo chi ngày 15/8, bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc khối thị trường tài chính, ngân hàng ANZ có đưa ra nhận xét, Chính phủ đang dần nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ vào những tháng cuối năm nhằm chống lại tình trạng kinh tế suy giảm.

Theo đó, để tiếp sức cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây cho phép các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu tối đa 17%, và cho phép giãn nợ, hoãn nợ và tái cấu trúc nợ. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% trong nửa cuối năm nay.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã từng tuyên bố, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm xuống dưới 8% nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay giảm xuống dưới 7%. Tính từ đầu năm, cơ quan này đã cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt tới 5%.

Theo đánh giá của bà Bình, cường độ cắt giảm lãi suất như vậy là rất nhanh và mạnh, và nằm ngoài kỳ vọng của rất nhiều người, cho thấy NHNN đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ở chính sách tài khóa, Chính phủ cũng đã tuyên bố ứng trước 30.000 tỉ đồng từ Ngân sách năm 2013 để đầu tư cho những dự án quan trọng trong năm 2012 ngoài khoản 21.000 tỉ đồng/tháng trong kế hoạch tài khoá của nửa cuối năm nay.

Các động thái chính sách này, theo bà Bình sẽ góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế đang rất khó khăn vì tắc nghẽn tín dụng, nợ xấu tăng, hàng tồn kho cao và hàng nghìn doanh nghiệp buộc đóng cửa trong nửa đầu năm.

CPI từ nay đến cuối năm theo dự báo của ANZ sẽ ổn định.

CPI từ nay đến cuối năm theo dự báo của ANZ sẽ ổn định.

CPI từ nay đến cuối năm theo dự báo của ANZ sẽ ổn định.

ANZ cho rằng, quý IV, với các biện pháp chính sách hỗ trợ đã đưa ra, tăng trưởng GDP sẽ được cải thiện.

Không có chuyện "chạy đua" xin nới chỉ tiêu tín dụng

Nói về việc hàng loạt ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài, đang xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, một số đã được thông qua, bà Bình cho rằng, rủi ro của chính sách này nằm ở quản trị của ngân hàng chứ không phải chỉ là con số tăng trưởng tăng lên.

Theo đó, rủi ro sẽ xảy ra nếu như các ngân hàng được cho phép nới lỏng này nhưng không có chiến lược tín dụng hoặc tăng trưởng quá nóng so khả năng của mình.

Thậm chí, nếu đồng loạt các ngân hàng trong hệ thống cùng xin tăng trưởng tín dụng thì cũng sẽ không có tác động nhiều vì hiện nhiều ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng âm - các ngân hàng này có xin lên 50% thì cũng không có khả năng dùng hết.

Xuất phát từ cầu của từng ngân hàng nên theo bà Bình sẽ không có chuyện cả hệ thống ngân hàng đi xin nới chỉ tiêu tăng trưởng. "Kể cả xin được cũng không ảnh hưởng quá nhiều, vì cuối cùng, điều quan trọng vẫn là tổng nền kinh tế cần gì chứ không phải từng ngân hàng có hay không có dư nợ tín dụng để cho vay".

Bà Bình cũng khẳng định, việc nới lỏng trần dư nợ tín dụng được NHNN cấp cho các ngân hàng có khả năng và có kế hoạch tăng trưởng chứ không phải với mọi ngân hàng.

Từ đầu năm, NHNN đã chia ra hệ thống ra làm 4 nhóm ngân hàng khác nhau, một số ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng cả năm trong khi một số ngân hàng khác thì tăng trưởng tín dụng lại đang âm.

Nếu NHNN không gỡ cho các ngân hàng đã chạm trần thì về mặt lý thuyết các ngân hàng này sẽ phải ngừng cho vay ra, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.

Thực tế thì các ngân hàng được phép nới tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua đã có chiến lược tăng trưởng tốt, chiến lược lãi suất tốt.

Ngoài ra, quy mô của các ngân hàng khác nhau nên việc tăng trưởng cũng có những chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, quy mô tài sản của các ngân hàng nước ngoài là rất nhỏ so với các ngân hàng trong nước. Do vậy, việc tăng trưởng tín dụng 10% với một ngân hàng có quy mô tài sản lớn khác với 10% những của ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có sự đánh đồng mức hạn mức lãi suất phổ biến cho tất cả các ngân hàng.

"Do vậy, việc cho phép một số ngân hàng vượt trần tăng trưởng tín dụng như thế này là rất tích cực" bà Bình nhận định. "Có thể trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ hồi phục nhờ những chính sách nới lỏng của Chính phủ, còn có hồi phục dài hạn hay không thì cần có những chính sách đồng bộ hơn".

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm mạnh, song đã có cải thiện chút ít.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm mạnh, song đã có cải thiện chút ít.

Nợ xấu gia tăng đang là trở ngại để các ngân hàng cấp tín dụng ra nền kinh tế.

Nợ xấu gia tăng đang là trở ngại để các ngân hàng cấp tín dụng ra nền kinh tế.

Thị trường cần vốn, ngân hàng thừa thanh khoản

Bà Bình cũng thêm rằng, theo tính chất mùa vụ hàng năm, quý IV thường là quý sôi nổi nhất, cần nhiều nguồn vốn nhất. Và, trong một thời gian dài tăng trưởng tín dụng thấp thì với những chính sách vừa rồi, kỳ vọng hồi phục về nhu cầu về tín dụng là có.

Vì nếu nhìn về quá khứ, mỗi năm tăng 30% tức mỗi tháng tăng 2,5% thì năm nay tăng 1,5%/tháng thực ra không phải là quá lớn. Thế nên, có câu hỏi đang được đưa ra: "nền kinh tế có hấp thụ được hay không" chính là bởi vì thị trường không kỳ vọng quá nhiều vào sự hồi phục vào thời gian tới.

Trong khi đó, nhìn vào lãi suất liên ngân hàng hiện nay là quá thấp. Các giải pháp kích cầu thực ra đã được thực hiện từ quãng quý II và NHNN đã đưa rất nhiều tiền vào hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng hiện nay thấp một cách đột biến và vốn "gần như cho không", cho thấy ứ đọng về vốn rất lớn.

Đại diện phía ANZ cũng tiết lộ, không phải đợi đến hiện tại, NHNN mới "cởi" trần tín dụng cho một ngân hàng mà thực tế, đã cho phép một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức 17% "rất nhiều" từ đầu năm.

Bà Bình lưu ý, vấn đề không ở hạn mức tăng trưởng tín dụng. Từ trước đó, khi đặt ra mục tiêu 15-17% tăng trưởng tín dụng thì ngành ngân hàng vẫn dùng không hết. Vấn đề là nếu NHNN có chính sách bơm tiền ồ ạt, đưa lãi suất giảm xuống một mức phi thị trường, tức giảm quá sâu thì mới đưa ảnh hưởng đến lâu dài.

Còn với riêng một ngân hàng sẽ có những chiến lược riêng, không chỉ cạnh tranh về lãi suất mà còn về đa dạng hóa sản phẩm. Một sản phẩm mới được đưa ra không hẳn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trước, mà quan trọng hơn là tăng thêm lượng khách hàng mới và giữ được khách hàng ở lại.

Bích Diệp