Kinh tế Việt Nam có thể đối diện với những thách thức gì trong năm 2018?
(Dân trí) - TS. Trương Văn Phước cho rằng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.
“Cần xem mình làm được đến đâu, cái gì là ơn trời, cái gì chưa chuẩn”
Chỉ còn vài ngày nữa, cánh cửa năm 2017 sẽ khép lại với nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội được cho là rất khả quan. Năm 2017 có lẽ cũng là năm hiếm hoi Chính phủ có khả năng hoàn thành tất cả các mục tiêu do Quốc hội đặt ra, trong đó không thể không nhắc tới cú “nhảy” ngoạn mục của tăng trưởng GDP.
Tại toạ đàm “Nhìn lại năm 2017 và tìm động lực tăng trưởng cho năm 2018” vừa diễn ra, TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia so sánh GDP như điểm số của một cậu học trò nghèo. “Học trò mơ ước điểm cao và chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Năm 2017 có nhiều dự báo nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi tin rằng GDP có thể đạt được 6,6-6,7%”, ông Phước nói.
Theo ông Phước, kết quả là tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp.
“Đóng góp không chỉ mang tính định lượng mà còn có nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam”, ông Phước cho biết.
Bàn về câu chuyện GDP, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017 thì về cơ bản vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế vốn có của VN như chi phí lao động còn tương đối thấp và những lợi thế so sánh khác.
Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi lại của nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ, ông Thành nói.
Mặc dù tăng năng suất lao động có nhích lên, song theo ông Thành lưu ý là theo mục tiêu ban đầu thì để đạt được mức tăng trưởng kế hoạch ban đầu thì tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP khoảng 32%. Nay đạt được mục tiêu này nhưng tổng đầu tư xã hội là khoảng gần 34%.
“Tóm lại, còn nhiều điều phải suy nghĩ, xem mình làm được đến đâu, cái gì là ơn trời, cái gì là nỗ lực, cái gì chưa chuẩn”, ông Thành nói và nhấn mạnh: Nếu thang điểm cho chất lượng tăng trưởng là 10 thì tôi cho rằng năm 2017 đạt 6.
Năm 2018: Thách thức từ nội tại lẫn rủi ro bên ngoài
Nhận định về bức tranh kinh tế 2018, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến những tác động từ bên ngoài như vấn đề địa chính trị - đây có thể là những thách thức lớn nhất.
“Kinh tế Việt Nam rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ”, ông Thành nói.
Theo vị này, năm 2017, chúng ta đạt được mức 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Dù nỗ lực hết sức nhưng cũng khó thể biết được.
“Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo; bất động sản, dịch vụ... Các ngành ngày này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao”, Phó viện trưởng CIEM nhận định.
Cũng chính vì vậy theo ông Thành, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7% (thấp và tương đương năm 2017) có thể thấy sự thận trọng nhất định.
“Cần phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa”, vị chuyên gia đưa ra khuyến nghị.
TS. Trương Văn Phước cũng đồng quan điểm với ông Thành và cho rằng Việt Nam là đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu, trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là Mỹ.
“Còn lại là những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng xuất lao động còn thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá”, ông Phước cho biết..
Về dài hạn ông Phước cho rằng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.
“Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đề nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau”, ông Phước nhận định.
Về hệ thống tài chính, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc cho biết, ông không gọi là những rủi ro hệ thống phải đối mặt mà gọi đó là “khuyết tật”, là “căn bệnh” nhưng chữa hơi chậm.
“Những vấn đề đó chúng ta đã đề cập khá lâu về sự mất cân đối trong thị trường tài chính. Sự phát triển thiếu hài hòa giữa một thị trường tiền tệ và một thị trường vốn. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ tới việc mở cửa với một mức độ vừa phải thị trường tài chính Việt Nam. Tất nhiên là cũng phải thiết kế kèm theo các hệ thống chính sách để thích ứng với độ mở ấy”, ông Phước nhấn mạnh.
Nguyễn Khánh