Thúc đẩy kinh tế tư nhân là trọng tâm thời hội nhập
Chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội” phát sóng vào khung giờ 22h45 – 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam và Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.
Với 2 khách mời là bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Lê Vĩnh Sơn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà, chương trình Hội nhập phát sóng ngày 9 tháng 8 đã bàn về nỗ lực và những khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.
Nghị quyết TW5 Khóa 12 với khẳng định là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân đã được nâng lên một tầm mới. Kinh tế tư nhân có thêm cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn so với những giai đoạn trước đây. Theo Tổng Cục Thống kê, giai đoạn 2015 – 2016, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, khoảng 64% tổng lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, nếu nói về các doanh nghiệp tư nhân, có thể tận dụng hiệu quả cơ hội của hội nhập, đầu tư bài bản, vươn ra thị trường nước ngoài thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi đặt ra là vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân như thế nào trong quá trình hội nhập, họ đang nỗ lực ra sao; còn khó khăn, rào cản nào và bên cạnh vai trò được khẳng định, họ còn cần được hỗ trợ và tạo điều kiện như thế nào để có thể giúp nền kinh tế hội nhập được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Những vướng mắc về thủ tục hành chính nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế lại ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Chúng ta cũng biết rằng trên thế giới, ngoài câu chuyện về thể chế kinh tế, cơ cấu kinh tế, họ hấp dẫn đầu tư bởi điều gì. Chính là bằng môi trường kinh doanh thuận lợi, chính là các thủ tục hành chính. Như vậy, có thể nói, thủ tục hành chính mà thuận lợi sẽ tạo ra môi trường tốt và suôn sẻ để doanh nghiệp vận hành tốt và phát triển tốt”.
Ông Lê Vĩnh Sơn cũng cho rằng: “Đối với các doanh nghiệp, 2 khó khăn hàng đầu. Thứ nhất, đó là họ phải cạnh tranh trên sân nhà khi các doanh nghiệp quốc tế tham gia đưa hàng hóa vào và triển khai trên lãnh thổ Việt Nam. Thứ 2, đó là doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược phát triển để đưa hàng hóa ra nước ngoài thế nào. Các cơ chế, chính sách hoặc các loại phí, thuế, các thủ tục hành chính đều là những điều cản trở cho khu vực kinh tế tư nhân”.
Hội nhập không có nghĩa là phải xuất khẩu, phải ra nước ngoài, mà chính là có thể kinh doanh, phát triển, thu lợi nhuận cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, bối cảnh nền kinh tế mở cửa. Và bởi vậy, làm thế nào để kinh doanh tốt, kinh doanh bài bản và bền vững, có sức cạnh tranh cao chính là những yếu tố cơ bản của một doanh nghiệp. Bà Trang cũng mong muốn sẽ có một nhà nước kiến tạo để có thể tạo ra một khung khổ tốt cho nền kinh tế vận hành bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả.