1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế địa phương

(Dân trí) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng – tại buổi hội thảo về phát triển kinh tế tư nhân diễn ra tại Quảng Nam sáng nay (28/6).

Theo ông Quang, hơn 30 năm đổi mới, Đảng đã đưa ra nhiều nghị quyết, Quốc hội đã 3 lần ban hành Luật doanh nghiệp, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và thực thi hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự hội thảo về phát triển kinh tế tư nhân ngày 28/6 tại Quảng Nam
Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự hội thảo về phát triển kinh tế tư nhân ngày 28/6 tại Quảng Nam

Gần đây, Hội nghị TW5 đã thống nhất ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đã thông qua luật hỗ trợ DNNVV; Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Chỉ thị 26…

Đặc biệt, Chính phủ lấy năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Chưa bao giờ Đảng, Nhà nước ta quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân đến vậy”, ông Quang phát biểu.

Ông Quang dẫn chứng tỉnh Quảng Nam có gần 5.300 doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,8% trong tổng số doanh nghiệp hiện có của tỉnh.

Theo ông Quang, một điều khá đặc biệt và khác biệt thú vị là so với các địa phương khác, khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Quảng Nam chiếm tỉ trọng tuyệt đối trong đóng góp cho ngân sách Nhà nước và là nhân tố chính yếu đưa Quảng Nam gia nhập các tỉnh, thành có thu ngân sách tiệm cận ngưỡng 20.000 tỉ đồng và là trong số không nhiều tỉnh có đóng góp ngân sách về Trung ương.

Đại diện VCCI Đà Nẵng phát biểu
Đại diện VCCI Đà Nẵng phát biểu

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta trải qua nhiều cung bậc: Doanh nghiệp tư nhân đi từ không đến có, từ chiếm thiểu số đến chiếm đa số tuyệt đối trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế nước ta.

Đến nay, cả nước có hơn 600 ngàn doanh nghiệp dân doanh và 3,5 triệu hộ kinh doanh đã đóng góp 40% GDP, giải quyết 85% việc làm cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, nước ta sẽ có 1 triệu doanh nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân từ chỗ được xem là đối tượng quản lý của các bộ máy hành chính đã trở thành đối tượng phục vụ. Doanh nghiệp tư nhân từ thứ yếu đã được Đảng, Nhà nước xác định là động lực cho phát triển kinh tế.

Phát biểu tại buổi hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, vai trò kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ.

“Phương thức quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi hơn. Dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được phát huy”, TS. Lê Đăng Doanh phát biểu.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế tư nhân cũng bộc lộ nhiều tồn tại và yếu kém, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác… Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng, cạnh tranh mạnh mẽ với các thành phần kinh tế khác, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phải bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.

“Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường…”, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra lời khuyên.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm