Kinh tế thế giới chưa hết đau đầu, áp lực cho "đầu tàu" Mỹ, Trung Quốc
(Dân trí) - Tồn tại khả năng tốc độ tăng trưởng toàn cầu hàng năm chỉ đạt 3%, thấp hơn trung bình trên 4% trong giai đoạn các đầu tàu đóng vai trò tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng toàn cầu ngày càng thách thức
Nợ chính phủ tăng cao kỷ lục, xung đột địa chính trị là những mối đe dọa tới sự thống nhất của hệ thống thương mại toàn cầu. Trong khi đó, năng suất lao động sụt giảm nhen nhóm trở thành gọng kìm kìm hãm tăng trưởng trong tương lai.
Những yếu tố này chính là những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt, được nêu bật trong Hội nghị Jackson Hole diễn ra cuối tuần trước.
"Nhiều quốc gia đang ở trong một môi trường dễ bị tổn thương. Họ sử dụng quá nhiều nguồn lực tài khóa để đối phó với đại dịch. Và khi đại dịch qua đi, họ phải đối mặt với hệ quả từ chính những quyết sách đã ban hành, bên cạnh đó là sự rạn nứt địa kinh tế, căng thẳng thương mại,...", Pierre-Olivier Gourinchas, Kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị.
"Nếu chúng ta chạm tới điểm mà một phần của thế giới, với dân số đông, rơi vào cảnh trì trệ và không thể theo kịp các nước tiên tiến khác, điều đó sẽ tạo ra áp lực nhân khẩu học và nhu cầu di cư vô cùng lớn", ông bày tỏ.
Gourinchas thừa nhận tồn tại khả năng tốc độ tăng trưởng toàn cầu hàng năm chỉ đạt 3%, thấp hơn trung bình trên 4% trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, thế giới vẫn duy trì được tăng trưởng nhờ vào sức bật của một số nền kinh tế lớn, trong khi suy thoái chỉ bó buộc ở một số quốc gia nhất định.
Nhưng trong giai đoạn hậu đại dịch hiện tại, "động lực tăng trưởng toàn cầu trở nên ngày một thách thức", Maurice Obstfeld, cựu kinh tế trưởng IMF và hiện là chuyên gia tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington), nhận định.
2 "đầu tàu" kinh tế ra sao?
Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề kinh tế cố hữu trong khi dân số ngày một teo nhỏ. Các chính sách công nghiệp tại Mỹ và một số quốc gia khác đang tái định hình lại trật tự chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách kém hiệu quả hơn.
Hội nghị lần này là một trong những nỗ lực đầu tiên của lãnh đạo các ngân hàng trung ương nhằm đánh giá triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu trong dài hạn sau thời gian chiến đấu với lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua đi và xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp.
Các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách mang tính thống nhất cao rằng những vấn đề trên tuy không mới nhưng đã bị chính dịch bệnh cũng như những sự kiện gần đây làm phức tạp hóa.
Sau khi tăng cao trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước, tỷ lệ nợ công trên tổng sản lượng nền kinh tế toàn cầu tăng từ 40% lên 60% nhờ vào các gói chi tiêu lớn phòng dịch Covid-19.
Tại nhiều quốc gia, nỗ lực tự giảm nợ là điều khó khả thi, Serkan Arslanalp, Chuyên gia kinh tế tại IMF, và Barry Eichengreen, Giáo sư kinh tế học tại trường Đại học California, viết trong một báo cáo gần đây.
"Tác động từ xu hướng gia tăng nợ công có sự phân hóa giữa các quốc gia. Với các nước có thu nhập cao như Mỹ, họ hoàn toàn có thể vượt qua được những hệ quả tiềm tàng. Nhưng tại các quốc gia nhỏ và kém phát triển, một cuộc khủng hoảng nợ đang trực chờ phía trước", ông cho biết.
Hiện tượng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ nếu như nguồn vốn bị rút khỏi các nền kinh tế chưa phát triển và có số dân số ngày một phình to, Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế học tại Đại học Cornell, nhận định.
"Đó là một viễn cảnh u ám nếu chúng ta chứng khiến các quốc gia có nguồn lao động dồi dào nhưng khát vốn", ông chia sẻ. Trong khi dân số của các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đang già hóa, thì điều ngược lại đang xảy ra tại nhiều quốc gia châu Phi như Nigeria.
Một xu hướng khác cũng xuất hiện trước đại dịch và diễn biến ngày càng phức tạp chính là quan điểm "mở" đối với các chính sách bảo hộ thương mại, thể hiện rõ nhất qua sự tiếp nối "di sản" hàng rào thuế quan giữa hai đời Tổng thống Mỹ gần nhất.
Bên cạnh đó, một bộ phận chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: xung đột Ukraine buộc châu Âu quay lưng với nguồn năng lượng của Nga chính là những "vết nứt" đứng sau xu hướng toàn cầu hóa. Thương mại cần góp phần tạo nên mối quan hệ đối tác lâu dài, không phải hình thành nên các khối đồng minh.
"Tôi luôn nhớ về giai đoạn thương mại giúp các quốc gia có thêm những người bạn", Ben Broadbent, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nói.
Nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng mới
Còn theo Tổng giám đốc Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, đại dịch vạch rõ những điểm yếu đối với "sức khỏe" chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với một số mặt hàng nhạy cảm như dược phẩm. Quá trình tái định hình lại hoạt động sản xuất toàn cầu có thể khiến thế giới bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng mới.
"Từ góc nhìn chính trị, bạn có thể thấy được tính hấp dẫn của quan điểm: khi bạn nhận thấy những điểm yếu, bạn sẽ cố gắng bắt tay với các quốc gia cùng chung giá trị.
Nhưng dù chiến lược là nearshoring (sản xuất tại các quốc gia có vị trí gần về địa lý), friendshoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu), hay reshoring (đưa hoạt động sản xuất về nơi doanh nghiệp đó ra đời), điều đó không đồng nghĩa với việc bạn không cần phải đi xa nữa. Nếu bạn muốn đa dạng hóa bằng mọi cách, hãy lan tỏa điều đó tới các quốc gia ít được chú ý hơn", bà chia sẻ.
Điểm sáng ở đâu?
Nếu có một điểm sáng tiềm năng, đó chính là sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, với tiềm năng trở thành động lực thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu. Tuy nhiên, những lợi ích mà công nghệ này mang lại có thể sẽ không sớm ồ ạt xuất hiện song song với đó là các tác động tiêu cực tiềm tàng.
"Tôi cho rằng ChatGPT cũng giống như Peloton", Nela Richardson, Kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ nhân sự ADP so sánh nền tảng AI trên với một công ty chuyên sản xuất máy đạp xe trong nhà.
"Người tiêu dùng có thể mua bao nhiêu sản phẩm tùy ý thích. Nhưng điều đó không đồng nghĩa họ sẽ sử dụng chúng một cách thường xuyên", bà nói.