Kinh tế tăng trưởng mạnh, Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm quốc gia
(Dân trí) - Fitch kỳ vọng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư.
Mới đây, Cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economic đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,4% trong các năm 2021 và 2022.
Theo Oxford Economic, nếu trong trường hợp Mỹ đánh thuế 10% vào 4 nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ là dệt may, máy tính, thiết bị viễn thông và đồ đạc (với tổng giá trị 40,3 tỷ USD).
Cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics nhận định rằng, trong khi trao đổi thương mại thế giới giảm 7,8% trong năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 6,9% là con số lạc quan.
Điểm đáng chú ý khác là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tăng 0,5%, góp phần làm tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất và chế tạo toàn cầu. Oxford Economic trông đợi Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn cho FDI toàn cầu về trung hạn.
Theo Oxford Economics, Việt Nam sẽ hưởng lợi về nhu cầu gia tăng đối với hàng điện tử toàn cầu và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này.
Ngoài máy tính và hàng điện tử khác, văn phòng phẩm, nội thất văn phòng là những mặt hàng có nhu cầu tăng trong bối cảnh nhu cầu làm việc từ nhà trên toàn cầu ngày càng phổ biến, mặc dù nhu cầu này sẽ giảm trong năm nay khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.
Việc khôi phục trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại thế giới và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khu vực xuất khẩu. Gói kích cầu kinh tế 1.900 tỷ USD của Mỹ nhiều khả năng làm tăng nhu cầu của nước này nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Trong khi đó, trang web của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Rating nhận định, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và các biện pháp chống dịch hiệu quả đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ "ổn định" lên "tích cực".
Tháng 12/2019, trước khi quyết định điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ "triển vọng" lên "ổn định" vào tháng 4/2020 trong bối cảnh bất ổn bắt nguồn từ đại dịch, Fitch đã dự đoán nợ công/GDP của Chính phủ của Việt Nam ở mức 40,3% GDP vào năm 2021, so với mức trung bình 41,7% cho các hồ sơ quốc gia xếp hạng BB và 43,8% cho các hồ sơ xếp hạng BBB.
Hiện Fitch kỳ vọng nợ GG/GDP của Việt Nam sẽ ở mức trung bình khoảng 39% trong giai đoạn 2021-2022, các dự báo trung bình tương đương đã tăng lên khoảng 60% và 58% đối với các quốc gia xếp hạng "BB" và "BBB".
Đánh giá của Fitch cho rằng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư.
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức 3 và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực.
Cơ sở để Moody's đưa ra quyết định nâng triển vọng kinh tế Việt Nam hai bậc là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục, vững chắc.
Cơ quan này cũng ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của Việt Nam đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ.
"Nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng sau đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động" - Moody's đánh giá.
Trong quý I/2021 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ tăng trưởng GDP thực tế trong quý là 4,5% so với cùng kỳ.