Tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc vào khai khoáng, tín dụng

(Dân trí) - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng GDP có được tới thời điểm này là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, về tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm có 3 điểm nổi bật nhất: Tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.

Theo Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thống nhất với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng rất tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cải thiện rõ nét. GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

"Với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt", ông nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng GDP có được tới thời điểm này là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.

Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, cải thiện rõ rệt nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn ngành đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù sản lượng dầu thô giảm nhưng máy tính, điện thoại tăng mạnh, sản lượng thép tăng khi nhà máy Formosa đi vào hoạt động... Trong khi đó, khu vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất, 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Nhập siêu ở mức thấp, chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%). Số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, vốn FDI đăng ký khoảng 21,32 tỷ USD, tăng 29,7%; vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 64%; giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu, mới đạt gần 55%. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11,8 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng).

"Do đó, Chính phủ yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan. Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Để tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng", ông nói thêm.

Phương Dung