Kinh tế "phi chính thức" ở Việt Nam có thể lên tới gần 30% GDP?

(Dân trí) - Nhóm tác giả của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, gánh nặng thuế, hệ thống luật pháp, thể chế và năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ có tác động rất lớn đến sự gia tăng của nền kinh tế phi chính thức.

Quy mô kinh tế phi chính thức ở Việt Nam hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng chính thức nghiên cứu.
Quy mô kinh tế phi chính thức ở Việt Nam hiện vẫn chưa được cơ quan chức năng chính thức nghiên cứu.

Trong tham luận tại Diễn đàn tài chính do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thái Hòa và ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thay đổi theo từng giai đoạn, thấp nhất khoảng 15% GDP (năm 2006), cao nhất gần 27% GDP (năm 2015).

Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 1995 - 2006, nhưng từ 2007 - 2015 lại có xu hướng tăng lên. Điều cần lưu ý là giai đoạn từ 2007 trở đi cũng là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào bất ổn và suy giảm tăng trưởng.

Theo nhóm tác giả, dù Việt Nam chưa phải là nước có quy mô nền kinh tế phi chính thức cao nhất trong số nhóm nước trong mẫu nghiên cứu, song Việt Nam lại là 1 trong 3 quốc gia có tốc tăng trưởng về quy mô nền kinh tế phi chính thức ở mức cao, bình quân mỗi năm tăng 1,2%, chỉ xếp sau Indonesia (3%) và Trung Quốc (2,1%).

"Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong công tác quản lý và kiểm soát sự gia tăng của khu vực phi chính thức này", nhóm tác giả nhận định.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh kể từ năm 2008, cũng là giai đoạn Việt Nam bước vào giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô, với tốc độ tăng trưởng bình quân nhanh hơn so với các nước trong mẫu nghiên cứu.

Với quy mô nền kinh tế phi chính thức này, ước tính số thuế tiềm năng đang bị mất đi mỗi năm khoảng 4,2% GDP trong giai đoạn 1995 – 2015, riêng năm 2015 là khoảng hơn 5% GDP. Đây là con số không hề nhỏ xét trong bối cảnh ngân sách năm 2015 thâm hụt lên đến 6,28% GDP và những năm khác thâm hụt bình quân từ 4 - 5% GDP.

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, nhìn ở khía cạnh mối quan hệ giữa các chỉ số nguyên nhân tác động đến quy mô của nền kinh tế phi chính thức, cho thấy gánh nặng thuế, hệ thống luật pháp, thể chế và năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ có tác động rất lớn đến sự gia tăng của nền kinh tế phi chính thức.

"Thuế suất trung bình cao, đi kèm với hệ thống các quy định, pháp luật cồng kềnh và phức tạp, tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình kém là những nguyên nhân khuyến khích các chủ thể trong nền kinh tế tham gia vào khu vực phi chính thức", nghiên cứu nêu.

Bên cạnh đó, sức khỏe của nền kinh tế chính thức cũng được chỉ ra là một tác nhân cần quan tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thu nhập bình quân đầu người với quy mô nền kinh tế phi chính thức là nghịch biến, tức là khi nền kinh tế chính thức bị suy giảm sẽ góp phần làm gia tăng quy mô nền kinh tế phi chính thức, bởi khi đó các cá nhân có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm và thu nhập hơn so với nền kinh tế chính thức.

Liên quan tới con số quy mô của nền kinh tế phi chính thức tại Việt Nam, trong một cuộc họp báo hồi tháng 1 năm nay, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ đã giao cho đơn vị này nghiên cứu về khu vực kinh tế phi chính thức.

Về việc một số nhà kinh tế gần đây đưa ra còn số khu vực kinh tế chưa quan sát được ở Việt Nam vào khoảng 30% GDP, ông Nguyễn Bích Lâm nói không thể cao đến mức này. Ông cho biết phương pháp thống kê và quan niệm về các khu vực kinh tế này ở mỗi quốc gia là khác nhau.

“Nhưng kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không thể cao đến 30%. Ở nước ngoài đánh bài, mại dâm là hợp pháp, trong khi đó chúng ta là phi pháp. Ở chúng ta khu vực kinh tế nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, nên đã có thống kê rõ ràng. Không thể áp khu vực này vào tự sản tự tiêu. Do đó, cần xem lại phương pháp tính”, ông Lâm cho biết.

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng cho biết khi Chính phủ thông qua đề án và có nghiên cứu cụ thể, đơn vị này mới có thể đưa ra con số chính xác.

Phương Dung

Kinh tế "phi chính thức" ở Việt Nam có thể lên tới gần 30% GDP? - 2