Kinh tế hồi phục nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thử thách

(Dân trí) - Mặc dù ghi nhận về những thành quả đạt được trong điều hành của Chính phủ về kinh tế 5 năm qua, song các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng và phải xử lý như nợ xấu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...

Sáng 2/11, thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, hầu hết các đại biểu đều ghi nhận về những thành quả đạt được trong điều hành của Chính phủ.

Kinh tế hồi phục nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thử thách - 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, chỉ cách đây 5 năm, kinh tế vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát tăng cao (trên 18%); nhập siêu trầm trọng (2006 đến 2010 nhập siêu bình quân 12,5 tỷ USD/năm).

Cán cân vãng lai thâm hụt ở mức báo động (bình quân âm 6,5%); tỷ giá biến động mạnh, USD, vàng gây rối thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán giảm sút, thị trường bất động sản đóng băng.

Nợ xấu ngân hàng nghiêm trọng ảnh hưởng tới thanh khoản ngân hàng và đe dọa tới sự an toàn của hệ thống; đầu tư công tràn lan lãng phí, nợ đọng cơ bản ngày càng tăng cao…

Tuy nhiên, với những quyết sách kịp thời, Chính phủ đã điều hành nên kinh tế đạt được những kết quả khả quan với tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, lạm phát được kiềm chế mức thấp, nhập siêu thu hẹp đáng kể; thị trường ngoại hối ổn định…

Các đại biểu cũng đưa ra những góp ý về những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế cần khắc phục.

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), thực tế vẫn còn tình trạng các đoàn thanh, kiểm tra còn chồng chéo gây áp lực cho các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp. Điều này thể hiện, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn, đến tháng 10 năm 2015 đã vượt 60.000 doanh nghiệp, tăng 29,1% so với cùng kỳ, như vậy mỗi ngày có khoảng 200 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Thực tế đó, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

Ông Sơn cũng đề xuất, Chính phủ cần nghiên cứu giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn xuống dưới 7%/năm. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn.

Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, các cử tri vẫn băn khoăn về hiệu quả sử dụng vốn thể hiện qua hệ số ICOR cao. Nguyên nhân một phần do Việt Nam đang trong đầu tư cho hạ tầng cơ sở và xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, do quy hoạch còn hạn chế, thất thoát lãng phí còn xảy ra nhiều.

Trong khi đó, theo ông Khoa, những quy định về trách nhiệm vẫn chung chung, chưa quy định rõ trách nhiệm cụ thể như thế nào, chưa nêu ra được những cán bộ làm tốt thì được khen thưởng như thế nào, nếu làm không tốt, không hoàn thành thì sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu. Do đó, chế độ trách nhiệm cần phải được cụ thể hóa đến từng cá nhân, chức danh.

Đại biểu Khoa cũng đặt vấn đề về hoạt động xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. Nợ xấu theo báo cáo đã giảm xuống còn 3,72% vào tháng 6/2015 từ mức 4,85% vào thời điểm tháng 12/2014, đến cuối tháng 9/2015 đã giảm xuống còn 2,9%.

“Như vậy, nếu vào những con số trên thì cứ tiến triển như vậy, nợ xấu sẽ không còn là nỗi lo của chúng ta nhưng trong thực tế, nợ xấu đã được xử lý như thế nào?”, ông Khoa nói. Theo ông, tỉ lệ nợ xấu được so với con số thu hồi cũng như so với dư nợ gốc là rất khiêm tốn, chưa xử lý được tận gốc, do đó, vị đại biểu đề nghị “Chính phủ phải xử lý tận gốc được vấn đề nợ xấu”.

Đại biểu Trần Ngọc Hòa (TPHCM) nhận định, tuy đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm nay thấp hơn 5 năm trước, cho thấy sự bão hòa về động lực tăng trưởng.

Ông Hòa cũng đánh giá, chỉ số xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp thứ 56/140 là mức thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore (thứ 2), Malaysia (8); Thái Lan (32), Indonesia (57) và Philippines (47).

Theo ông Hòa, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn mang tâm lý hoạt động cầm chừng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhỏ: có 800.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam chưa có những doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ tụt hậu, năng lực quản trị thấp.

Vị đại biểu này cho rằng, khi gia nhập các cam kết quốc tế, đặc biệt là TPP đòi hỏi thay đổi rất mạnh mẽ về thể chế. Cần phấn đấu để 5 năm tới đưa số lượng doanh nghiệp Việt Nam lên con số 2 triệu so với con số 500.000 hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực tổ chức quản trị hiện đại - các doanh nghiêp lớn phải thuộc mọi thành phần kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước.

Bích Diệp

 

Kinh tế hồi phục nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thử thách - 2