Kinh tế Ấn Độ khốn đốn vì "sùng bái" vàng
(Dân trí) - Trong khi các nhà đầu tư thế giới từ bỏ vàng, người dân Ấn Độ vẫn hết sức “sùng bái” kim loại quý này. Hệ quả là nền kinh tế của Ấn Độ đang chịu những hậu quả nặng nề, từ mất cân đối cán cân thanh toán tới giảm giá trị nội tệ.
Trên khắp thế giới, nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi vàng sau khi giá kim loại quý này đã sụt giảm hơn 10% chỉ trong vòng 3 tháng qua. Vậy nhưng người Ấn Độ vẫn “sùng bái” vàng đến mức sẵn sàng hy sinh cả đồng nội tệ rupee cũng như nền kinh tế quốc gia.
Với việc mua vào lượng vàng trị giá hàng tỷ USD, người dân nước này đang góp phần chuyển tiền mặt ra nước ngoài, tác động tiêu cực tới sự cân bằng giữa dòng tiền vào và ra khỏi đất nước, khiến đồng rupee mất giá mạnh. Hệ quả là các mặt hàng nhập khẩu then chốt của Ấn Độ ngày càng trở lên đắt đỏ hơn, trong khi các doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong việc chi trả các món nợ nước ngoài.
“Chỉ cần không nhập khẩu vàng trong một năm, câu chuyện về thâm hụt tài khoản vãng lai của đất nước sẽ thay đổi”, Bộ trưởng tài chính P. Chidambaram khẳng định hôm thứ Năm. “Người Ấn Độ nghĩ rằng họ đang mua vàng bằng đồng rupee. Nhưng thực chất họ mua vàng bằng USD”.
Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới với khối lượng nhập khẩu hàng năm chiếm một phần ba tổng nguồn cung vàng toàn cầu. Vàng cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai của nước này chỉ sau dầu mỏ. Tác động của hiện tượng này là gì? Thâm hụt tài khoản vãng lai (tức là lượng tiền ròng chảy ra khỏi đất nước) hiện ở mức 5,4% GDP, gấp đôi mức khuyến cáo của các nhà kinh tế.
“Tôi một lần nữa kêu gọi mọi người kiềm chế mong muốn mua vàng”, ông Chidambaram hối thúc. “Việc này sẽ giúp tạo tác động tích cực tới mọi mặt của kinh tế Ấn Độ”.
Trong khi thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này ở mức quá cao, mối lo ngại thực sự đó là liệu họ có thu hút được lượng tiền đủ để bù đắp phần chênh lệch, Bibek Debroy, một nhà kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi khẳng định. Ông Debroy cho rằng thay vì lo sợ với việc người dân tiếp tục mua vàng, chính phủ cần đặt câu hỏi: “Vì sao vốn đầu tư không vào Ấn Độ?”.
Theo số liệu của Bộ trưởng Chidambaram, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ trong nửa sau tháng 5 sụt xuống còn 36 triệu USD so với mức bình quân 135 triệu USD ở nửa đầu tháng. Dù vậy ông lại bỏ qua một nguyên nhân quan trọng: lễ hội Akshaya Tritiya, dịp mua vàng lớn thứ hai của Ấn Độ rơi vào ngày 13/5.
Sự im ắng của thị trường vàng sau dịp lễ hội giúp ngân hàng trung ương Ấn Độ bớt lo lắng nhưng đến thứ Ba vừa qua họ vẫn buộc phải can thiệp sau khi giá trị đồng rupee xuống mức thấp nhất lịch sử so với USD (1 USD đổi 58,98 rupee).
Dù vậy sự can thiệp này không mấy phát huy tác dụng khi đà lao dốc vẫn tiếp tục. Và do vậy sự sụt giảm trong nhu cầu mua vàng chỉ là tạm thời, bởi thứ kim loại quý này với người Ấn Độ không đơn thuần là một khoản đầu tư.
Với rất nhiều người Ấn Độ, vì nhiều lý do vàng đồng nghĩa với tiết kiệm và an toàn. Hiện chỉ khoảng 36.000 trong tổng số 650.000 ngôi làng tại nước này có chi nhánh ngân hàng. Và quy định về số dư tài khoản tối thiếu và các quy định khác khiến các bà nội trợ, anh bảo vệ hay công nhân xây dựng thích tích trữ những đồng xu vàng hay trang sức để phòng lúc khó khăn hơn là gửi ngân hàng.
Không những vậy, văn hóa của Ấn Độ còn khiến vàng trở thành món đồ thiết yếu trong mỗi dịp cưới hỏi hoặc các lễ hội khác. Ngay cả các nhân viên ngân hàng, luật sư cũng nghĩ việc mua vàng trang sức sẽ giúp họ đảm bảo an toàn tài chính. Và khi thị trường bất động sản sụt giảm thời gian qua, những “đại gia” mới nổi tại Ấn Độ cũng đổ tiền vào vàng.
Một khoản đầu tư sai lầm? Có lẽ là vậy. Hiện các chuyên gia đều cho rằng giá vàng khó có thể tăng cao nếu thị trường chứng khoán Mỹ hoặc giá trị đồng USD không sụt mạnh. Thế nhưng cả hai yếu tố này đều ít khả năng xảy ra.
Còn với kinh tế Ấn Độ, sự sùng bái vàng còn tệ hơn cả một khoản đầu tư tồi. Không giống như việc mua hay bán cổ phiếu hoặc trái phiếu, việc đổ tiền vào vàng khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại do tiền bị hút khỏi lưu thông. Trái lại, ngay cả việc nhập khẩu dầu, dù không tốt cho thâm hụt thương mại nhưng thực sự thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Trong khi đó áp lực từ thâm hụt thương mại ngày càng tăng khiến Ấn Độ phải phá giá đồng tiền, thường là 10%/năm trong vòng 20 năm qua. Sự sụt giá mạnh này khiến người Ấn Độ càng sợ nắm giữ tiền trong khi vốn đầu tư nước ngoài chảy khỏi đây. Vậy là một cái vòng luẩn quẩn lặp lại khi người ta tăng nắm giữ vàng, khiến đầu tư sụt giảm làm tăng trưởng chậm lại và đồng rupee càng suy yếu thêm.
Thanh Tùng
Theo CNBC