1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam “gặt lãi” lớn

(Dân trí) - So sánh với một số quốc gia châu Á giai đoạn 2012 - 2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh, trong khi hầu như các nước chỉ cải thiện nhẹ hoặc tiếp tục xu hướng giảm từ 2012.


Ngành ngân hàng nhìn chung ăn nên làm ra trong năm 2017 (ảnh minh họa).

Ngành ngân hàng nhìn chung "ăn nên làm ra" trong năm 2017 (ảnh minh họa).

Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017.

Tại báo cáo này, UBGSTCQG đánh giá, kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng khả quan trong năm 2017 với lợi nhuận tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 44,5% so với năm 2016.

Trong khi đó, các tỷ suất sinh lời ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cao hơn năm trước, ước đạt 0,69% và 10,2% (năm 2016 là 0,56% và 8,05%).

So sánh với một số quốc gia châu Á giai đoạn 2012 - 2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống TCTD Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh, trong khi hầu như các nước chỉ cải thiện nhẹ hoặc tiếp tục xu hướng giảm từ 2012.

Thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các TCTD do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm.

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với 2016, chiếm 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ước tăng từ 2,74% trong năm 2016 lên gần 3% trong năm 2017.

Các hoạt động kinh doanh khác đạt kết quả tương đối khả quan. Thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng khoảng 3,4 lần. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%, ngoài các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán. Một số TCTD ký kết các hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện với những công ty bảo hiểm lớn, kỳ hạn lên tới 10 – 15 năm, dự kiến đem lại nguồn thu dịch vụ và hoa hồng lớn trong thời gian tới.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của các TCTD năm 2017 ước tăng 17,2% so với năm 2016, song tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với năm 2016, ở mức 44,8%.

Cả lợi nhuận và chi phí trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ước tính tăng lần lượt 30,9% và 20,2% so với năm 2016; tỷ lệ chi phí dự phòng so với lợi nhuận trước trích lập là 53,6%.

Báo cáo của UBGSTCQG nhận định, năm 2018, lợi nhuận của hệ thống TCTD dự báo sẽ có nhiều khả quan do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2017, nợ xấu được kỳ vọng xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập của các TCTD thông qua hoàn nhập dự phòng nợ xấu. Do đó các TCTD có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Bích Diệp

Kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam “gặt lãi” lớn - 2