Kinh doanh nền tảng kết nối giáo dục - Hướng đi mới tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam
(Dân trí) - Các mô hình nền tảng đang thúc đẩy sự biến đổi ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế, từ truyền thông, bán lẻ, vận chuyển và ngay cả giáo dục. Nền tảng kết nối giáo dục hiện nay đang trở thành một xu hướng mới và có thể sẽ phát triển nở rộ hơn trong tương lai.
Thế nào là kinh doanh nền tảng? Mô hình này phổ biến như thế nào?
Mô hình kinh doanh nền tảng được định nghĩa là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác nhằm tạo nên giá trị đồng thời cho các nhà sản xuất bên ngoài và những người tiêu dùng.
Hiểu một cách cơ bản, mô hình nền tảng cung cấp các dịch vụ kết nối nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ với người dùng. Từ đó, hai bên có thể tương tác để đáp ứng được nhu cầu và mang lại lợi ích cho nhau.
Nhờ những lợi ích kinh tế nổi bật của mô hình nền tảng kết nối, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gia nhập hàng ngũ những công ty nền tảng đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ.
Xu hướng này diễn ra sôi nổi trong ngành giao thông vận tải với những cái tên nổi bật như Grab, GoViet hay Be, tạo nên một cuộc cách mạng trong thị trường các ứng dụng gọi xe công nghệ, khiến số phận ngành xe ôm, taxi truyền thống chao đảo.
Booking, Agoda, Airbnb hình thành nên khái niệm đại lý du lịch trực tuyến (OTA), trở thành nhà cung cấp dịch vụ lưu trú toàn cầu. Và tại Việt Nam, những cái tên được biết tới như Luxstay, nền tảng đặt homestay cao cấp, cũng đang có tham vọng từng bước chiếm lĩnh thị trường Việt.
Mô hình nền tảng kết nối giáo dục - Hướng đi mới đầy tiềm năng
Mặc dù các công ty đi theo nền tảng kết nối đang dần thống trị mọi ngóc ngách của nền kinh tế, vẫn có những lĩnh vực mà nền tảng này gặp khó khăn khi gia nhập. Giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng,... đều là những ngành có mức độ tập trung thông tin cao nhưng số lượng những doanh nghiệp đi theo mô hình kết nối vẫn còn hạn chế.
Mức độ rủi ro cao của ngành là một trong những lý do dẫn tới điều này. Khi Grab đặt nhầm cho khách một chuyến xe, khi Agoda đặt sai một khách sạn cho khách du lịch, thiệt hại cũng xảy ra, nhưng ít nghiêm trọng hơn so với việc kết nối một học sinh đang ôn thi với những khóa học có kiến thức sai lệch, gây ảnh hưởng đến kết quả về sau.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty nền tảng mong muốn gia nhập vào lĩnh vực “nhạy cảm” như giáo dục. Tiêu biểu có thể kể đến Topica, doanh nghiệp công nghệ giáo dục đa quốc gia chuyên cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến. Hay Blacasa, nền tảng kết nối nhu cầu học tập của người học với những gia sư, giáo viên và chuyên gia uy tín. Việc những công ty ấy đang dần chiếm được vị thế vượt trội là minh chứng rõ nét nhất cho thấy điều trái ngược với suy nghĩ ban đầu. Tuy nhạy cảm và nhiều rủi ro, tiềm năng phát triển của mô hình kinh doanh nền tảng trong ngành giáo dục là rất lớn.
Việt Nam là đất nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, là thị trường khách hàng rộng lớn, điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở dạy và học sẽ mọc lên như nấm nhằm đáp ứng đủ nhu cầu học tập và phát triển bản thân, từ các lĩnh vực thông dụng thường thấy như gia sư, ngoại ngữ, cho đến các lĩnh vực chuyên môn cao hơn như đào tạo nghề, du học, kỹ năng,... Nhu cầu đa dạng và phong phú, do vậy, các chủng loại sản phẩm, dịch vụ được cung cấp cũng nhiều vô vàn, gây khó khăn cho người học khi tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn.
Trong hoàn cảnh ấy, mô hình nền tảng kết nối xuất hiện như một giải pháp có thể giúp xử lý phần nào khó khăn, đồng thời tạo cơ hội sàng lọc chất lượng của những bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ thay các phụ huynh, học sinh, sinh viên tìm kiếm và đánh giá thông tin, giúp họ kết nối dễ dàng với những bên muốn cung cấp dịch vụ học tập thật sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu.
Mặt khác, việc kinh doanh nền tảng kết nối giáo dục khi áp dụng trong thực tế sẽ phù hợp với thị hiếu và xu hướng phát triển của nền giáo dục hiện đại, dễ dàng được các bậc phụ huynh và học sinh Việt Nam đón nhận.
Edutalk - Nền tảng kết nối học viên và giảng viên yêu thích
Edutalk là một nền tảng, một ứng dụng, website giúp tìm kiếm và kết nối khách hàng với giảng viên, trung tâm yêu thích. Bản thân doanh nghiệp không phải một trung tâm đào tạo về bất kì môt lĩnh vực nào mà hoạt động dưới dạng kết nối các trung tâm, giảng viên với học viên có nhu cầu. Mặt khác, Edutalk cũng là bên đảm bảo quyển lợi cho học viên và đối tác hợp tác bằng các tiêu chuẩn, hợp đồng pháp lý.
Hiện nay có quá nhiều loại hình giáo dục như học ở trung tâm, học với giảng viên, gia sư,... được mở ra và điều đó càng làm vấn đề lựa chọn được nơi học phù hợp nhất càng trở nên khó khăn. Dựa trên những tiêu chí về độ phù hợp về kinh tế, địa điểm học, phương pháp, chất lượng và sự đầy đủ về măt thông tin, cam kết đào tạo,... nền tảng của Edutalk sẽ giúp khách hàng lựa chọn được giảng viên, khóa học phù hợp nhất để phát triển khả năng ngôn ngữ và kỹ năng của bản thân.
Sau 3 năm thành lập và phát triển, Edutalk đang có hơn 20 cơ sở tư vấn và đào tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gần 600 đối tác trung tâm và giảng viên uy tín, có trình độ chuyên môn cao. Trong vòng 5 năm tới, Edutalk đặt mục tiêu kết nối 15 triệu học sinh, sinh viên Việt Nam với những khóa học phù hợp nhất, chất lượng nhất cho họ.
Hướng đi mà Edutalk, hay Topica, Blacasa lựa chọn đều là xây dựng một nền tảng kết nối giáo dục dựa trên công nghệ, nhằm phát triển nền giáo dục nước nhà vươn tầm sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Trong tương lai, liệu rằng sẽ còn có thêm bao nhiêu doanh nghiệp đi theo con đường mới mẻ đầy tiềm năng này nữa?