1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kinh doanh bất động sản thu hút vốn "khủng"

(Dân trí) - Với gần 600 doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm, lượng vốn đăng ký mỗi doanh nghiệp (DN) đạt trên 76 tỷ đồng, gấp gần 10 lần số vốn đăng ký bình quân của DN thuộc các lĩnh vực, bất động sản đang là ngành có sức thu hút vốn “khủng” nhất hiện nay.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố thông tin về tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong quý I/2016.

Trong đó, kinh doanh bất động sản (BĐS) đang hút số lượng vốn lớn cũng như số doanh nghiệp thành lập nhiều nhất cả nước. Số DN đăng ký thành lập mới đạt 596 DN, tăng 146%; số vốn đạt hơn 45.500 tỷ đồng, tăng 406,9% so với cùng kỳ năm trước 2015.

Kinh doanh bất động sản thu hút vốn "khủng" - 1

Như vậy, mỗi DN đăng ký kinh doanh BĐS có số vốn đăng ký là 76 tỷ đồng, số vốn này gấp gần 10 lần so với số vốn trung bình mà các DN đăng ký kinh doanh các ngành và lĩnh vực khác (trung bình 7,8 tỷ đồng/mỗi DN).

Về tình hình đăng ký thành lập các DN mới, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết, trong quý I/2016 số DN và vốn đăng ký kinh doanh đều tăng, cả nước có thêm hơn 23.700 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt 186.000 tỷ đồng, tăng 24,8% về số DN và 63,2% về lượng vốn so với cùng kỳ năm 2015.

Tỷ trọng vốn bình quân/mỗi DN quý I là 7,8 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, DN thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS) có số DN đăng ký thành lập mới, số vốn thành lập tăng mạnh nhất.

Hiện, theo đánh giá của Bộ Xây Dựng, NHNN và các tổ chức quốc tế, thị trường BĐS Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nhờ chính sách tín dụng rộng mở, các Luật mới như: Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở… Hiện, tổng dư nợ tín dụng của thị trường BĐS theo báo cáo của Bộ Xây Dựng đạt 390.000 tỷ đồng (18,5 tỷ USD), tăng trên 10% so với năm 2010 (360.000 tỷ đồng).

Về thị trường BĐS quý I/2016, Bộ Xây Dựng đưa ra con số thống kê cho biết, Hà Nội có 1.200 giao dịch BĐS thành công, còn tại TP HCM có 1.150 giao dịch thành công. Lượng giao dịch đang tăng ở các phân khúc nhà ở chung cư bình dân, cao cấp và cả ở nhà liền kề và biệt thự.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các DN BĐS đang phải dựa vào 3 chân tín dụng để kinh doanh: vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn của khách hàng (vốn huy động theo tiến độ thỏa thuận chủ đầu tư và khách hàng). Trong đó, phần lớn các DN phát triển BĐS hiện nay dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn vay của khách hàng qua huy động theo tiến độ.

"Luật Kinh doanh Bất Động sản 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015 quy định, các DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng mới được tham gia vào đăng ký thành lập, đầu tư và kinh doanh BĐS. Quy định này đảm bảo loại bỏ các DN yếu kém chỉ vài tỷ đồng đi kinh doanh BĐS vừa tạo dựng được nhiều khoản bảo lãnh đối với thị trường và người dân", ông Nam phân tích.

Nguyễn Tuyền

Kinh doanh bất động sản thu hút vốn "khủng" - 2