Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải có trên 600 tỷ đồng
(Dân trí) - Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngị định về chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm. Một trong những điểm mới của nghị định này là tăng vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lên tối thiểu là 600 tỷ đồng Việt Nam.
Theo nghị định số 46/2007/NĐ-CP, mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng và môi giới bảo hiểm là 4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày nghị định này có hiệu lực, nếu có vốn điều lệ thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại nghị định này thì trong thời hạn 3 năm phải bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định.
Nghị định cũng quy định, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng một phần vốn điều lệ đã góp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Mức tiền ký quỹ bằng 2% vốn pháp định được quy định và được rút toàn bộ tiền ký quỹ khi chấm dứt hoạt động.
Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo từng nghiệp vụ bảo hiểm đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tương ứng với trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ có thể đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh hoặc không có bảo lãnh, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành nghị định số 45/2007/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nghị định này quy định, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài hoặc liên doanh muốn được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam cần có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD (hoặc đã hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm gần nhất).
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài hoặc môi giới bảo hiểm phải được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép và phải đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm và không vi phạm các quy định pháp luật trong vòng 3 năm liền kề gần nhất.
Trần Đức