Kiến nghị Thủ tướng tăng giá điện và xóa bỏ “giá bậc thang”
(Dân trí) - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng cần tăng giá điện từ 5 cent/kWh hiện hành lên mức 8 cent/kWh và xoá bỏ giá điện bậc thang. Nếu không, các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 và 7 đang lập khó thành công.
Giá điện thêm 1 lần nữa được đề nghị tăng.
Theo VEA, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, bảng giá điện bậc thang đã bộc lộ những bất cập, bởi 50 kWh đầu tiên không chỉ người nghèo, các hộ chính sách được hưởng mà cả người có thu nhập cao, kể cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng hưởng lợi từ cơ chế giá này, gây lãng phí trong sử dụng điện.
Bởi vậy, trong bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng, VEA đã đề xuất 2 loại giá điện. Thứ nhất là giá điện có hỗ trợ của Nhà nước (50kWh đầu tiên). Nhà nước thiết lập một mức giá bán hợp lý (thấp hơn giá thị trường để bán cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh, sinh viên…)
Thứ hai là giá điện theo thị trường. Các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán điện theo thị trường, mức giá 7 - 8 cent/kWh.
Cùng với đó, VEA cũng đề xuất cần thành lập 1 tổng công ty quản lý giá điện cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội và trực thuộc EVN.
Theo ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), hiện giá điện chỉ gần 5,3 cent/kwh (tương đương là 1.059 đồng/kwh) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi để có lãi cho các nhà đầu tư thì phải với mức giá bình quân trên 8 cent/kwh. |
Đồng thời, Chính phủ cần điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu; giá than bán cho điện, cũng như các hộ xi măng, giấy, phân bón… ở mức thấp hơn giá xuất khẩu (tối đa là 10%) trong năm 2011.
Đây là giải pháp duy nhất để khắc phục lâu dài tình trạng thiếu vốn cho ngành năng lượng. Theo VEA, các tập đoàn năng lượng Việt Nam hiện nay đều đang phải bán các sản phẩm của mình chưa theo đúng cơ chế thị trường.
VEA cũng cảnh báo, nếu chúng ta không điều chỉnh giá điện hợp lý, thì các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6, và Quy hoạch điện 7 đang lập khó có thể thành công. Bởi thực tế lợi nhuận có được hàng năm của EVN không đáp ứng được 1/3 nhu cầu đầu tư vào các dự án.
Với các Tập đoàn như PVN, TKV, Sông Đà… có các dự án nguồn điện sẽ đưa vào vận hành kể từ sau năm 2012 sẽ không biết lấy từ nguồn nào để bù lỗ, bởi các dự án nguồn điện này đang đầu tư với suất đầu tư 1.350 ~ 1.450 USD/kWh, trong đó có nhiều dự án sử dụng nguồn than nhập khẩu từ nước ngoài với giá rất cao.
Lan Hương