1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán, thanh tra trùng lắp: Kiểm toán Nhà nước nói gì?

(Dân trí) - Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Không thể nói đơn vị này trùng lặp đơn vị kia” và thực tế hoạt động cho thấy khi "có cách vận dụng uyển chuyển cho thật hài hoà".

Trả lời tại buổi họp báo diễn ra hôm 21/7, liên quan tới việc kiểm toán và thanh tra chồng chéo, gây áp lực cho địa phương, doanh nghiệp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Cao Tấn Khổng giải thích: "Người ta đang nhầm cơ quan kiểm toán tương tự thanh ttra, kiểm tra. Cơ quan kiểm toán là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán tài chính công và tài sản công".

"Ở các nước, bất kì nguồn nào của tài chính và tài sản công đều phải có sự xác nhận của kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước có chức năng là xác nhận, đánh giá, kết luận và kiến nghị. Kiểm toán không phải là đi vào tìm sai phạm. Dù tìm sai phạm là cái cần thiết nhưng nguyên tắc kiểm toán là để xác nhận cho được kinh phí chi tiêu của Nhà nước, tài chính, tài sản công", ông Khổng nói.

Kiểm toán, thanh tra trùng lắp: Kiểm toán Nhà nước nói gì? - 1

Theo đại diện cơ quan kiểm toán, dù đơn vị này đã có 23 năm, dù năng lực có phát triển nhưng chưa thể "phủ" được hết các đơn vị mà chỉ có thể chọn vấn đề trọng tâm, trọng yếu trong chương trình kiểm toán mỗi năm.

"Việc hình thành ra kế hoạch kiểm toán là kế hoạch mang tính pháp lý rất cao. Theo luật, kiểm toán được độc lập làm kế hoạch nhưng chúng tôi đã khiêm tốn gửi văn bản cho Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành cho ý kiến, rồi lấy ý kiến các Ủy ban của Quốc hội, xin ý kiến Thủ tướng và các cơ quan trực thuộc. Sau khi có ý kiến mới trình ra Quốc hội, rồi xin ý kiến từng Đại biểu Quốc hội. Khi có ý kiến Đại biểu Quốc hội, tổng hợp về, mới ký ban hành kế hoạch kiểm toán", ông Khổng cho biết.

"Kế hoạch kiểm toán không phải mơ hồ gì hết, không thể nói đơn vị này chồng lên đơn vị kia", ông Khổng nhấn mạnh và cho biết thêm rằng: "Ở đây không thể nói đơn vị này trùng lặp đơn vị kia. Việc Chính phủ chỉ đạo đơn vị kia tránh trùng lắp là đúng, nhưng thực tế hoạt động cho thấy khi Chính phủ nói sẽ thanh tra, kiểm tra ở đơn vị nào thì chúng tôi có thể rút để Chính phủ tiếp tục làm. Ví dụ kiểm toán đất đai tại TPHCM vừa rồi, Thanh tra Chính phủ cũng làm rồi nên chúng tôi để họ làm. Nói chung chúng ta có cách vận dụng uyển chuyển cho thật hài hòa".

Còn theo ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: "Chúng tôi mong muốn đến một ngày nào đó Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán mọi nguồn lực tài chính công. Hiện mới chỉ chạm đến một góc nhỏ thôi, chưa kiểm toán được hết. Tại các quốc gia phát triển người ta kiểm toán toàn bộ. Đây là những vấn đề thiết thực và phải làm thế nào để làm tốt hơn nữa".

Như Dân trí đưa tin trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm;

Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; Không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm