Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính cao kỷ lục trong hơn 20 năm

(Dân trí) - Ông Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 36.000 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Cơ quan kiểm toán đã phát hiện nhiều vấn đề trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa, kiến nghị giảm thời gian hoàn vốn của các dự án BOT lên tới hàng chục năm.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: VGP)
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (Ảnh: VGP)

Ngày 2/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Báo cáo với Thủ tướng, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 115.203 tỷ đồng. Riêng năm 2016 đã kiến nghị xử lý tài chính 35.931 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng).

Trong năm qua, kết quả kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu và xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó qua kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng lên hơn 13.000 tỷ đồng tại 6 doanh nghiệp.

Theo đó, Công ty mẹ - Tổng công ty điện lực dầu khí là hơn 2.000 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam 440 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV TCT Truyền hình cáp Việt Nam – VTVCab hơn 3.800 tỷ đồng…

Về kết quả kiểm toán các dự án BOT, KTNN đã có nhiều kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý, đồng thời sau kiểm toán đã giảm thời gian hoàn vốn của các dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu. Cụ thể, Dự án công trình mở rộng QL1 đoạn qua km 1488-km1525, tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm, 27 ngày; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường HCM (QL 14) đoạn qua địa phận tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu, quận 9 (TCT xi măng Việt Nam) giảm 11 năm…

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng đã phát hiện việc quản lý chi dịch vụ công ích tại các tỉnh thành lớn, việc quản lý một số khoản phí, lệ phí còn không ít bất cập, kém hiệu quả.

Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện nhiều sơ hở trong công tác quản lý thu ngân sách, qua đó đã truy thu thuế và các khoản phải nộp khác tại doanh nghiệp hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm 882 tỷ đồng

Thủ tướng nêu rõ không có vùng cấm trong hoạt động kiểm toán
Thủ tướng nêu rõ không có vùng cấm trong hoạt động kiểm toán

Theo kế hoạch, năm 2017, KTNN sẽ thực hiện 234 cuộc kiểm toán, gồm: Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2016 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2015 tại 14 bộ, ngành trung ương và 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 8 chủ đề kiểm toán hoạt động; 27 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 59 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư với 83 dự án, công trình; 34 tập đoàn, TCT nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng và ngân hàng nhà nước.

Chỉ đạo tại phiên làm việc, Thủ tướng cho biết, mong muốn thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN bảo đảm sự liêm chính trong quản lý kinh tế của Nhà nước. KTNN trước hết cũng phải liêm chính. KTNN không phải chỉ phát hiện sai phạm, chỉ rõ đúng sai mà điều quan trọng hơn là qua công tác kiểm toán, phát hiện những lỗ hổng, chỗ bất hợp lý của pháp luật, công tác quản lý để "vá lại", hoàn thiện thể chế.

Theo đánh giá của Thủ tướng, “KTNN là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong quản lý tài chính công và tài sản công”, và đề nghị KTNN chú ý vấn đề này trong bối cảnh công tác tài chính công còn nhiều bất cập.

Cho biết xã hội, các cơ quan Nhà nước mong chờ các kết luận kiểm toán công khai, minh bạch, chính xác, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh việc công khai kết luận kiểm toán và nêu rõ: Tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không làm Nhà nước yếu đi mà trái lại còn làm cho Nhà nước mạnh hơn. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng KTNN thực sự là "thượng phương bảo kiếm" của Đảng và Nhà nước" - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ tinh thần: Không có vùng cấm, tất cả các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước đều phải được kiểm toán rõ ràng, như thế mới chống được tiêu cực, tham nhũng.

Bích Diệp