1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kiểm toán Nhà nước hơn 230 cuộc, thu hồi cho ngân sách gần 8.400 tỷ đồng

(Dân trí) - Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 báo cáo kiểm toán là 56.009 tỷ đồng, trong đó bao gồm thu về ngân sách Nhà nước 8.385 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 17.555 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước gửi tới các Đại biểu Quốc hội cho biết, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 232 cuộc kiểm toán. Tính riêng đến ngày 30/9/2018 Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 211/232 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc 150 cuộc kiểm toán, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 85 báo cáo kiểm toán.

Dự kiến đến ngày 10/11/2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ kết thúc các cuộc kiểm toán và phát hành các báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2018 trước 31/12/2018.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 báo cáo kiểm toán là 56.009 tỷ đồng, trong đó bao gồm thu về ngân sách Nhà nước 8.385 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 30.069 tỷ đồng.

Trong những chương trình kiểm toán đã thực hiện trong năm 2018, đối với Kiểm toán, đánh giá việc quản lý, sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 2.651,5 tỷ đồng và đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập, thiếu sót trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí.

Về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi về ngân sách Nhà nước 96,9 tỷ đồng và kiến nghị khác 1.257,3 tỷ đồng liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, phát hiện việc hoàn thuế GTGT cho các dự án BT, dự án đầu tư mở rộng, đầu tư đã đi vào hoạt động, dự án còn vi phạm pháp luật về đầu tư chưa đúng quy định...

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 1.393 tỷ đồng, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chỉ có 1/12 dự án trong giai đoạn 2013-2017 thực hiện đấu thầu, còn lại 11/12 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai... tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến lãng phí nguồn NSNN.

Qua kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu (1.727,3 tỷ đồng/4.421,1 tỷ đồng).

Kiểm toán tại các khu công nghệ cao ở TPHCM cũng chỉ rõ giá cho thuê đất trong khu công nghệ cao chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất theo quy định của Chính phủ; một số trường hợp cho phép miễn tiền thuê đất không đúng quy định; xác định giá thuê đất thấp hơn bảng giá đất quy định của Thành phố...

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện một số địa phương phân bổ, giao dự toán nhiều lần trong năm; phân bổ kinh phí cho đơn vị cấp dưới chưa có nhiệm vụ chi cụ thể; còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn kinh phí...

Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.605 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 41 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 1.769,4 tỷ đồng, nợ đọng thuế phát hiện tăng thêm 3.083,4 tỷ đồng.

Phương Dung

Kiểm toán Nhà nước hơn 230 cuộc, thu hồi cho ngân sách gần 8.400 tỷ đồng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm