Kiểm toán lưu ý nghĩa vụ tiềm ẩn vụ Huyền Như tại VietinBank
(Dân trí) - Việc xác định trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan tại vụ án Huyền Như còn phải chờ kết quả xét xử phúc thẩm.
Theo đó, TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử và tuyên án, tại bản án hình sự sở thẩm đã xác định các cá nhân nguyên là nhân viên của Chi nhanh TPHCM và Chi nhánh Nhà Bè của VietinBank (trong đó có Huỳnh Thị Huyền Như) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một số tội danh khác.
Về trách nhiệm dân sự, Tòa án tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị Huỳnh thị Huyền Như lừa đảo, và VietinBank không có trách nhiệm bồi thường, không phải chịu trách nhiệm liên đời và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến hành vi phạm luật của các cá nhân nói trên.
Sau khi xét xử sơ thẩm, một số người tham gia tố tụng đang kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên. Theo các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, nếu bản ánh sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo thì sẽ được xét xử theo trình tự phúc thẩm. Vì vậy, Deloitte lưu ý rằng, trong trường hợp này, việc xác định trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan chỉ được thực hiện khi vụ án được xét xử phúc thẩm, có phán quyết cụ thể của Tòa án và bản án có hiệu lực (hiện nay, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa xét xử phúc thẩm đối với vụ án này).
Tuy nhiên, dựa trên kết quả của các thủ tục đối chiếu, rà soát và kiểm tra đã thực hiện đến thời điểm lập BCTC hợp nhất này, Ban điều hành của VietinBank vẫn tin tưởng rằng ngân hàng không phải chịu trách nhiệm liên đới và bất kỳ tổn thất tài chính nào liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Huyền Như và đồng phạm.