Kiểm toán lo ngại về Hoàng Anh Gia Lai, giá cổ phiếu giảm mạnh

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi HAG bị bán mạnh và phần lớn cổ phiếu trên thị trường giảm giá thì HBC và HNG lại tăng, riêng HBC tăng 5,2% dù cổ phiếu này sắp bị hủy niêm yết.

Tình hình thị trường có phần khả quan hơn trong phiên chiều nay (4/9) khi số lượng mã hồi phục nhiều hơn và các chỉ số đồng loạt thu hẹp biên độ giảm giá.

VN-Index đóng cửa tại 1.275,8 điểm, đánh rơi 8,07 điểm tương ứng 0,63%. HNX-Index giảm 1,42 điểm tương ứng 0,6% còn UPCoM-Index giảm 0,42 điểm tương ứng 0,44%.

Sàn HoSE có 313 mã giảm giá so với 117 mã tăng; trên HNX là 106 mã giảm, 60 mã tăng và trên sàn UPCoM là 145 mã giảm, 118 mã tăng.

Dù vậy, cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vẫn kết phiên ở vùng giá thấp nhất, giảm mạnh 3,8% còn 10.250 đồng, mức thấp nhất ghi nhận trong phiên hôm nay là 10.100 đồng. Khớp lệnh tại mã này đạt gần 10,4 triệu đơn vị.

Kiểm toán lo ngại về Hoàng Anh Gia Lai, giá cổ phiếu giảm mạnh - 1

Diễn biến cổ phiếu HAG phiên 4/9 (Nguồn: VDSC).

HAG có diễn biến bất lợi trong bối cảnh thị trường chung chuyển xấu. Bên cạnh đó, cổ phiếu này vừa bị HoSE thông báo giữ nguyên diện cảnh báo do lỗ lũy kế 957,01 tỷ đồng tại ngày 30/6.

Công ty bầu Đức đã công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét. Tại báo cáo này, Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty do khoản lỗ lũy kế nói trên và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 350 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy, tại thời điểm 30/6, Hoàng Anh Gia Lai chưa thanh toán khoản gốc và lãi vay đến hạn với giá trị lần lượt gần 790 tỷ đồng và gần 8 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với ngân hàng. Ngày 19/7, tập đoàn đã thanh toán toàn bộ khoản gốc và lãi vay nêu trên.

Cũng tại ngày 30/6, doanh nghiệp này chưa thanh toán lãi trái phiếu đến hạn với tổng giá trị gần 3.278 tỷ đồng. Công ty cho biết lý do chậm thanh toán là chưa thu được nguồn tiền từ khoản nợ của nhóm Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên và chưa thanh lý một số tài sản không sinh lợi. Hoàng Anh Gia Lai cũng đã có văn bản giải trình.

Trở lại với thị trường chứng khoán, điều thú vị là trong phiên này, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico mặc dù sắp bị hủy niêm yết trên HoSE nhưng lại đạt được trạng thái tăng nhẹ 0,5% lên 4.380 đồng, khớp lệnh 7,9 triệu cổ phiếu.

Tương tự cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng tăng rất mạnh 5,2% lên 5.450 đồng, khớp lệnh 2,3 triệu cổ phiếu. Theo quyết định của HoSE, cả HNG và HBC đều sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 6/9 tới, đồng nghĩa với những nhà đầu tư mua vào hôm nay sẽ phải chờ đến khi các cổ phiếu này chuyển sàn sang UPCoM mới có thể bán ra.

Một số mã trong ngành xây dựng và vật liệu vẫn giữ được sức nóng đến hết phiên. MDG và PHC tăng trần; HHV tăng 6% với khớp lệnh 12,3 triệu đơn vị. FCN tăng 4,7%; LCG tăng 3,3%; VCG tăng 2,7%; HVH tăng 2,2%; DPG tăng 2,1%.

Tại ngành bất động sản, một số cổ phiếu cũng được giao dịch mạnh và khởi sắc, đi ngược thị trường chung. PDR tăng 3,9%, khớp lệnh 16,2 triệu đơn vị; VRE tăng 2,6%, khớp lệnh 11,5 triệu đơn vị; NLG tăng 2,4%; VHM tăng 2,4%, khớp lệnh 13,8 triệu đơn vị; DXG tăng 1,3%, khớp lệnh 14,5 triệu đơn vị.

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm giá. SSB giảm 3,6%; VPB giảm 2,4%, khớp lệnh 23,3 triệu đơn vị; MSB giảm 2,2%; HDB giảm 2,2%; MBB giảm 1,8%, khớp lệnh 15,1 triệu đơn vị; TCB giảm 1,5%, khớp lệnh 13,7 triệu đơn vị.