Kiểm toán “cạn lời”: “Di sản Trịnh Xuân Thanh” sắp bị đuổi khỏi sàn!

(Dân trí) - Ba năm liên tục lợi nhuận sau thuế âm, bị kiểm toán từ chối nêu ý kiến với báo cáo tài chính, cổ phiếu PVX của Xây lắp Dầu khí Việt Nam sẽ bị huỷ niêm yết khi thị giá đã rớt dưới 1.000 đồng.

Lỗ luỹ kế gần 3.900 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC - mã PVX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán bởi hãng kiểm toán Deloitte.

Theo đó, sau khi được kiểm toán, doanh thu thuần của PVX tăng thêm 3% so với báo cáo tự lập, lên 1.997,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh 17% so với trước kiểm toán, ở mức 44,7 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay đã là 91 tỷ đồng, tăng 6% so với báo cáo tự lập.

Nếu theo báo cáo tự lập của tổng công ty này, PVX lỗ trước thuế 354,4 tỷ đồng và lỗ sau thuế 357 tỷ đồng thì sau khi kiểm toán, các con số này lần lượt là 387,6 tỷ đồng và 392,7 tỷ đồng. Lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng từ 198,3 tỷ đồng lên 213,6 tỷ đồng.

Kiểm toán “cạn lời”: “Di sản Trịnh Xuân Thanh” sắp bị đuổi khỏi sàn! - 1

Vũng lầy thua lỗ tại PVX được cho là "di sản" mà Trịnh Xuân Thanh để lại

Đáng chú ý là trong lần phát hành này, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của PVX do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính, lỗ lũy kế hợp nhất của PVX tính đến ngày 31/12/2019 khoảng 3.898,6 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng.

PVX đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ quá hạn thanh toán của PVX tại ngày 31/12/2019 chủ yếu là số dư gốc vay khoảng 1.011,3 tỷ đồng

Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVX. Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty này phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cơ cấu các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình đang dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.

“Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các kế hoạch hoạt động này. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu báo cáo tài chính hợp nhất kèm theo được lập với giả định tổng công ty sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không”, kiểm toán viên Deloitte cho hay.

Nhiều nội dung kiểm toán viên không xác định được số liệu

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính chưa kiểm toán của công ty con là Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) có tổng tài sản 1.124 tỷ đồng, nợ phải trả 1.110 tỷ đồng, lỗ ròng 6,9 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2018 của PVX, đơn vị kiểm toán đã ngoại trừ vấn đề vốn hóa chi phí lãi vay cho PVC Land trong các giai đoạn dự án cao ốc căn hộ thương mại dịch vụ PetroVietnam Landmark tạm dừng thi công trong các năm trước.

Kiểm toán viên cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các số liệu báo cáo tài chính của PVC-Land cho năm 2019 cũng như ảnh hưởng của các vấn đề ngoại trừ năm trước lên báo cáo tài chính hợp nhất năm nay của PVX. Do đó, không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu có liên quan hay không.

Tương tự, kiểm toán cũng gặp vấn đề tương tự với Petroland. Báo cáo tài chính chưa kiểm toán của công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) có tổng tài sản 1.206,5 tỷ đồng, nợ phải trả 403,4 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 705 triệu đồng. Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2018 của PVX, đơn vị kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về việc không phân bổ giá trị tầng hầm để xe Chung cư Phú Mỹ vào giá vốn đã bán trong các năm trước. Đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập được các bằng chứng cho các số liệu này.

Tại ngày 31/12/2019, PVX còn có số dư khoản cho Khách sạn Lam Kinh vay để hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh số tiền 200 tỷ đồng, và dự phòng trích lập là khoảng 124,4 tỷ đồng. Song, kiểm toán viên cũng không thể thu thập được bằng chứng về giá trị có thể thu hồi của khoản cho vay này.

Ngoài ra, trong năm 2019, công ty con là Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS), đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi từ Ban quản lý dự án công trình DK1 số tiền gần 104,9 tỷ đồng là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam. Kiểm toán viên cho rằng, nếu hạch toán đúng quy định, lỗ lũy kế đến cuối năm trước sẽ tăng lên tương ứng gần 105 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số dư hàng hóa bất động sản của PVX gồm chung cư thuộc dự án Dầu khí Thái Bình với giá trị 38 tỷ đồng, PVX chưa đánh giá được sự suy giảm giá trị cũng như chưa ước tính được giá trị thuần có thể thực hiện được.

Vào cuối năm 2019, số dư chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Quảng Trạch 1 có giá gốc lần lượt là 240,5 tỷ đồng và 25,8 tỷ đồng. Tại ngày lập báo cáo này, PVX đang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá trị phát sinh chưa lường hết của dự án nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và để nghiệm thu, quyết toán chi phí của PVX thực hiện tại dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến giá trị thuần có thể thực hiện được của các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang nêu trên.

Ngoài ra, số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang gồm các dự án đã tạm ngừng thi công từ các năm trước là dự án Khu đô thị Đại học Dầu khí và dự án Khu công nghiệp Dầu khí Tiền Giang với số tiền 5,7 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khả năng mang lại lợi ích kinh tế thu thập trong tương lai của các dự án này.

Thêm vào đó, số dư khoản đầu tư góp vốn của Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô vào dự án Dophin Plaza là 37,1 tỷ đồng nhưng đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá liệu có phải trích lập dự phòng hay không do dự án này chưa bán được hết các căn hộ và chưa được quyết toán để phân chia kết quả đầu tư theo hợp đồng.

PVX đã hoàn nhập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến thư bảo lãnh cho Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG) vay vốn tại một tổ chức tín dụng số tiền 99,9 tỷ đồng năm 2016. Hiện, PVX vẫn đang làm việc với PVC-SG và tổ chức tín dụng để giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh.

Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy, tại ngày 31/12/2019, PVX có một số khoản góp vốn vào đơn vị khác với tổng giá trị ghi sổ và tổng giá trị dự phòng cho các khoản đầu tư này lần lượt là 49,7 tỷ đồng và 18,2 tỷ đồng. Tổng công ty chưa đánh giá được hết sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư nêu trên. Kiểm toán viên không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến suy giảm giá trị các khoản đầu tư này cũng như không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán thay thế để đánh giá về giá trị dự phòng cần phải trích lập.

Tóm lại, với kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong 3 năm 2017, 2018, 2019 và bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, cổ phiếu PVX chắc chắn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Hiện tại, cổ phiếu PVX đang có giá 900 đồng/cổ phiếu trên sàn HNX sau khi giảm sàn 10% trong phiên giao dịch 20/4. Thanh khoản mã này vẫn khá tốt với khối lượng giao dịch đạt 3,45 triệu đơn vị.

Mai Chi